2.000 ha rừng thông trụi lá vì bị sâu róm phá hoại.
Hơn 1 tháng nay, khu rừng phòng hộ Hồng Lĩnh bất ngờ bị sâu róm tấn công ăn lá, tàn phá.
Những cây thông bị sâu róm phá có độ tuổi từ 3-6 năm. Trong đó nhiều phần diện tích cây thông đang cho khai thác nhựa.
Mỗi cây thông có từ 10-60 con sâu. Có cây bị sâu ăn từ lâu xuất hiện với mật độ dày đặc khoảng 400 con/cây. Loại sâu phá hoại thông này là sâu róm, có màu xám, thân phủ lông dẹt, dày, chứa độc tố gây ngứa, chóng mặt, buồn nôn.... Kích thước trung bình của con cái thường lớn hơn con đực.
Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, tại các tiểu khu 95A, 96B, 103,123, 121, 122B và 124, sâu róm đã gây trụi lá, khô lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của rừng thông.
Hiện ngành chức năng đã tiến hành phun phòng trừ toàn bộ diện tích từ 1 đến 2 lần; riêng những nơi có mật độ sâu 300-400 con/cây, phun thuốc 5-6 lần để diệt trừ sâu, cứu cây.
Sâu róm ăn trụi, khô lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của rừng thông, thậm chí nhiều diện tích đã bị chết.
Nguyên nhân xuất hiện dịch sâu róm được xác định do độ ẩm lớn, kèm thời tiết mưa nắng thất thường. Sâu khi xuất hiện sẽ ăn lá, gây trụi lá.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đang theo dõi và tiếp tục phun thuốc phòng trừ. Đơn vị quản lý cũng báo cáo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cùng đơn vị liên quan nắm bắt, hỗ trợ cung ứng thêm thuốc trừ sâu cùng trang thiết bị trong việc phòng trừ sâu róm gây hại.
Nguyễn Sơn