2/3 lãnh đạo Bosnia và Herzegovina tẩy chay Ngoại trưởng Nga
Đại diện của hai nhóm sắc tộc Bosnia và người Croatia cho rằng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã không tôn trọng chính thể của họ là Liên bang Bosnia và Herzegovina.
Trong chuyến công du Bosnia và Herzegovina (BiH), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bị hai trong ba thành viên thuộc Hội đồng Tổng thống của nước chủ nhà tẩy chay, hãng tin Al Jazeera cho hay.
Ngày 15-12, ông Lavrov có kế hoạch hội đàm với cả ba thành viên thuộc Hội đồng Tổng thống BiH - những người đại diện cho ba nhóm sắc tộc Serbia, Bosnia và Croatia tại quốc gia vùng Balkan này.
Tuy nhiên, chỉ có ông Milorad Dodik, đại diện cho người Serbia, xuất hiện tại cuộc họp. Đại diện của người Bosnia là ông Sefik Dzaferovic và đại diện của người Croatia là ông Zeljko Komsic không dự hội đàm.
Hai ông Dzaferovic và Komsic cho biết họ tẩy chay cuộc họp vì cảm thấy ông Lavrov "thiếu tôn trọng" Liên bang Bosnia và Herzegovina - một trong hai thực thể chính trị cấu thành BiH. Người Bosnia và người Croatia là hai nhóm cư dân chiếm đa số tại Liên bang Bosnia và Herzegovina.
Hai ông Dzaferovic và Komsic bất bình trước việc thay vì đến thủ đô của theo hiến pháp của BiH là Sarajevo (nằm trên lãnh thổ Liên bang Bosnia và Herzegovina), ông Lavrov đã chọn TP Đông Sarajevo (thuộc Cộng hòa Srpska - thực thể chính trị còn lại của BiH, do người Serbia chiếm đa số) để bắt đầu chuyến công du.
Trong cuộc họp báo chung với ông Dzaferovic, ông Komsic lưu ý rằng dù ông Dodik có kiên quyết với lập trường trung lập và không gia nhập Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì "chỉ có một nhà nước (tức BiH - nhà nước chung của Cộng hòa Srpska và Liên bang Bosnia và Herzegovina) mới có thể đưa ra những quyết định như vậy".
"Với sự tôn trọng dành cho Nga, một quốc gia lớn mạnh, chúng tôi sẽ không đồng ý trở thành con tốt của Nga ở vùng Balkan trong các cuộc đấu và xung đột với các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên NATO. Chúng tôi hy vọng họ (tức Nga) hiểu và ủng hộ điều này" - ông Komsic nói.
Lãnh đạo của người Serbia ở BiH, ông Dodik được nhận xét là có lập trường thân Nga, ủng hộ việc chia cắt Cộng hòa Srpska khỏi BiH để sáp nhập vào nước láng giềng Serbia. Dù không công khai ủng hộ, Nga cũng chưa bao giờ chính thức chỉ trích chính sách ly khai của ông Dodik.
Ngoại trưởng Nga Lavrov không bình luận về sự tẩy chay từ ông Dzaferovic và ông Komsic. Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa tin về cuộc hội đàm ở BiH mà không đề cập chuyện hai đại diện của người Bosnia và người Croatia không đến họp.
Sau khi rời BiH trong ngày 15-12, ông Lavrov đã đến trạm dừng chân tiếp theo trong chuyến công du là Croatia.
BiH là một quốc gia có đặc điểm chính trị phức tạp với sự xung đột giữa ba sắc tộc Bosnia (theo Hồi giáo), Serbia (theo Chính thống giáo) và Croatia (theo Thiên chúa giáo). Sau Thế chiến thứ hai, đây là một trong sáu thực thể liên bang hợp thành Nam Tư và sau đó, tuyên bố độc lập trở lại vào ngày 3-3-1992.
Cuối năm 1991, khi mâu thuẫn với người Bosnia và người Croatia tăng cao, người Serbia ở BiH (lúc này vẫn thuộc Nam Tư) lập một thực thể chính trị mang tên "Cộng hòa Serbia thuộc BiH", sau đổi tên thành Cộng hòa Srpska. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 29-2 và 1-3-1992 về việc tách BiH khỏi Nam Tư, người Serbia đã tẩy chay nên không bỏ phiếu.
Sau khi tuyên bố độc lập, xung đột đẫm máu giữa người Serbia và hai sắc tộc còn lại kéo dài đến năm 1995. Ngày 14-12-1995, hiệp định hòa bình Dayton được ký kết, thiết lập lộ trình tái thiết BiH dưới sự giám sát và hỗ trợ của Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Tổng thống BiH là cơ chế lãnh đạo đất nước. Mỗi đại diện trong hội đồng sẽ luân phiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tổng thống trong tám tháng. Từ ngày 20-11 tới nay, ông Dodik đang là chủ tịch hội đồng.