2.500 người dân ở Đà Nẵng sống trong chung cư xuống cấp, mưa phải giăng bạt
Đại biểu HĐND Đà Nẵng nêu thực tế có khoảng 2.500 người ở các chung cư sống trong thấp thỏm, không biết bê tông rơi lúc nào, cứ mưa phải giăng bạt.
Chiều 12/12, tại phiên chất vấn Kỳ họp 21, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), ông Lương Công Tuấn (Tổ đại biểu đơn vị quận Hải Châu) nêu vấn đề 3 chung cư trên địa bàn xuống cấp gồm: Chung cư Thuận Phước, Chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (quận Hải Châu), Chung cư Hòa Minh được HĐND, UBND thành phố có chủ trương di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
“Đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết phương án đầu tư, phương thức đầu tư chung cư để bố trí cho các hộ dân nơi đây và khi nào đầu tư xây dựng?”, đại biểu Tuấn chất vấn.
Trả lời chất vấn, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thừa nhận đây là 3 chung cư xuống cấp và năm 2022 Sở Xây dựng đã kiểm định chất lượng, kết luận những công trình này thuộc cấp độ C.
“Đối với cấp độ C thì chưa phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, Sở Xây dựng đã tham mưu thành phố và để đảm bảo yếu tố lâu dài, mỹ quan, UBND thành phố đã thống nhất di dời người dân tại 3 chung cư trên”, ông Phong cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, sau khi thống nhất chủ trương di dời, UBND quận Hải Châu, UBND quận Liên Chiểu đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng cho những chung cư này. Hiện hội đồng đang lấy ý kiến các đơn vị để hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ di dời các chung cư này, trình UBND thành phố phê duyệt.
Ông Phong cho biết thêm, từ tháng 3 đến tháng 6/2024, Trung tâm Quản lý nhà khảo sát, lấy ý kiến từng hộ dân với 2 phương án được đưa ra. Phương án một là tiếp tục thuê chung cư nhà ở xã hội và phương án hai là mua nhà ở xã hội ở dự án khác (chọn 1 trong 4 dự án mà thành phố đầu tư).
“Phương án một có 196 hộ mong muốn thuê, còn phương án hai có 294 hộ dân mong muốn được mua chung cư nhà ở xã hội. Khi các hộ dân chưa có điều kiện mua thì tiếp tục bố trí thuê tạm tại các quỹ chung cư trên địa bàn thành phố”, ông Phong nói.
Không đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, đại biểu Lương Công Tuấn cho rằng thực tế tại 3 chung cư này có 648 căn hộ, khoảng 2.500 nhân khẩu sống trong thấp thỏm, lo âu, không biết bê tông rơi lúc nào, mưa phải giăng bạt trên đầu.
“Về chủ trương, UBND thành phố có công văn từ năm 2017 và do chính Sở Xây dựng tham mưu là chung cư này hết hạn sử dụng vào năm 2021. Vậy mà đến nay các đồng chí vẫn cho là cấp C. Sở Xây dựng của năm 2017 không đồng nhất với Sở Xây dựng năm 2024 này. Đề nghị các đồng chí cho biết khi nào di dời xong các hộ này và cam kết thời gian cụ thể, bởi không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, đại biểu Lương Công Tuấn tiếp tục chất vấn.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Phú Phong cho biết, hiện có các phương án cụ thể và đang lấy ý kiến. “Sau khi UBND quận Hải Châu, Liên Chiểu thành lập hội đồng phóng mặt bằng và giải tỏa đền bù sẽ họp có đề xuất cụ thể phương án, trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đảm bảo thuận lợi cho người dân”, ông Phong nói.
Chia sẻ nội dung này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết đã có kế hoạch cụ thể, nhưng quá trình triển khai chậm so với tiến độ.
“Đối với bán chung cư theo kiểu thương mại thì cần có nhà đầu tư. Hiện đã có nhà đầu tư làm giá bán chung cư theo kiểu thương mại. Ra Tết, một đơn vị sẽ khởi bán với giá hơn 6 triệu đồng/m2. Một số người đăng ký danh sách cụ thể ra Tết sẽ mua được.
Còn đối với hộ dân thuê chung cư thì có một số nằm trên địa bàn, một số nằm khác địa bàn và thành phố sẽ có phương án hỗ trợ hợp lý”, ông Chinh nói.
Chủ tịch UBND UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh công tác đền bù, phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân.