2 cách giao dịch bằng căn cước công dân

Để không phải nhiều lần xuất trình giấy xác nhận về số chứng minh nhân dân cũ, người được cấp căn cước công dân có thể đi điều chỉnh thông tin trên các giấy tờ đã được cấp trước đây.

Theo quy định của Bộ Công an, khi cấp căn cước công dân (CCCD) cho những người đã được cấp chứng minh nhân dân (CMND) trước đó, các cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận về số CMND để người dân thực hiện nhiều giao dịch có liên quan.

Tuy nhiên, việc phải luôn mang theo giấy xác nhận này khiến người dân có thể bị phiền toái.

Anh Phan Quốc Hưng (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Lúc trước tôi đã sử dụng CMND để đăng ký các tài khoản ngân hàng và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). Mới đây, khi tôi cầm CCCD mà không có giấy xác nhận số CMND để đi rút tiền tại ngân hàng thì nhân viên ngân hàng không cho rút. Kẹt nỗi giấy xác nhận đó tôi để lạc đâu rồi”.

Tương tự, chị Nguyễn Thanh Hà (quận 3, TP.HCM) cho biết: “Tôi cũng đã được cấp CCCD và vì làm mất giấy xác nhận số CMND nên tôi đã không thể đóng thuế để làm thủ tục nhà, đất. Tôi thấy việc đổi CCCD mà phải trình giấy xác nhận thì rất phiền, không biết có cách nào khác để giảm sự phiền toái này không”.

Người dân đến công chứng giấy tờ tại Phòng Công chứng số 7, TP.HCM. Ảnh: N.HIỀN

Người dân đến công chứng giấy tờ tại Phòng Công chứng số 7, TP.HCM. Ảnh: N.HIỀN

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân, hướng dẫn: “Để tránh bị thất lạc giấy xác nhận hoặc phải xuất trình giấy này nhiều lần, người dân có thể đi điều chỉnh, cập nhật số CCCD trên các giấy tờ liên quan như sổ hồng để thuận tiện việc giao dịch sau này”.

Hiện tại, khi người dân đăng ký giao dịch bảo đảm có kèm theo yêu cầu thay đổi số CCCD trên sổ hồng, quận Bình Tân sẽ giải quyết trong vòng một ngày.

“Sở dĩ Bình Tân rút ngắn thời gian giải quyết như vậy vì thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm không tốn nhiều thời gian xác minh như những thủ tục khác. Hơn nữa, chúng tôi thấy được những khó khăn khi đổi từ CMND sang CCCD nên chúng tôi cố gắng giảm thời gian chờ đợi cho người dân” - ông Bình nói.

Liên quan đến giao dịch ở ngân hàng bằng CCCD mới, ông Phạm Duy Hưng, Giám đốc Ngân hàng Kiên Long Chi nhánh Sài Gòn, cho biết khách hàng khi đến giao dịch lần đầu cần phải có giấy xác nhận về số CMND cũ.

“Sở dĩ phải có giấy xác nhận là để ngân hàng có căn cứ xác định đúng đối tượng giao dịch nhằm bảo vệ khách hàng tránh bị người khác lợi dụng. Khi đó ngân hàng sẽ cập nhật số CCCD trong vòng 5-10 phút. Sau khi ngân hàng cập nhật xong thì trong những lần giao dịch sau khách hàng chỉ cần mang CCCD là đủ” - ông Hưng giải thích.

Công chứng: Linh động rà soát những giấy tờ khác

Với CCCD cùng giấy xác nhận số CMND kèm theo thì người dân sẽ được giải quyết hồ sơ tại phòng công chứng (PCC). Trường hợp không có giấy xác nhận thì PCC sẽ thực hiện kiểm chứng về nhân thân bằng những giấy tờ khác có liên quan. Chẳng hạn, công chứng viên sẽ dựa vào hộ khẩu, bằng lái xe… để xác định. Nếu theo kết quả kiểm tra, người đó đúng là chủ thể giao dịch thì PCC sẽ giải quyết hồ sơ.

Tuy nhiên, cũng có bất cập là sau khi được công chứng xong, hồ sơ chuyển qua các cơ quan khác như cơ quan đăng ký đất đai, thuế thì các cơ quan này vẫn luôn luôn yêu cầu có sự cập nhật số CCCD.

Ông NGUYỄN HẢI HỒ, Phó Trưởng PCC số 7, TP.HCM

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/2-cach-giao-dich-bang-can-cuoc-cong-dan-876123.html