2 cựu chiến binh tâm huyết với phát triển kinh tế tập thể

Những năm qua, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh (CCB) huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang không chỉ vượt khó chăm lo phát triển kinh tế gia đình, mà còn mạnh dạn, tâm huyết đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, từng bước xây dựng quê hương Chợ Gạo ngày càng giàu đẹp. Điền hình là CCB Nguyễn Văn Đức và Phạm Trung Phước, ngụ ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh.

Sau khi rời quân ngũ, CCB Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1958) về tham gia công tác tại xã Hòa Tịnh với nhiều vị trí công tác khác nhau. Bên cạnh đó, ông chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả để vừa nâng cao thu nhập kinh tế gia đình.

Cách đây 10 năm, ông đã quyết định chọn cây dừa Mã Lai làm cây trồng chủ lực cho diện tích vườn của mình. Sau khi trồng thử nghiệm cho hiệu quả, ông dần mở rộng diện tích vườn dừa uống nước. Hiện tại vườn dừa của ông có tổng diện tích 1,1 ha, cho trái ổn định quanh năm. Mỗi năm ông thu hoạch 50.000 trái, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng.

CCB Nguyễn Văn Đức và CCB Phạm Trung Phước (đứng thứ 4, 5 từ trái sang) nhận khen thưởng từ phong trào thi đua CCB gương mẫu.

Tận dụng diện tích mương trong vườn dừa, ông Đức mạng dạn thả cá tai tượng để vừa có thêm nguồn thức ăn cho gia đình, vừa tăng thêm thu nhập. Với 3 ao nuôi cá tai tượng, mỗi năm gia đình ông thu hoạch trung bình khoảng 1 tấn cá thương phẩm cung cấp ra thị trường, thu nhập 40 triệu đồng/năm.

Để giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, phát huy thế mạnh cây dừa uống nước của xã Hòa Tịnh, ông tham mưu Đảng ủy - UBND xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp tổng hợp Hòa Tịnh. HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là liên kết thành viên HTX tổ chức cung ứng cây dừa giống; cung cấp trái dừa tươi uống nước phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, HTX thực hiện dịch vụ tư vấn phương pháp sản xuất canh tác dừa theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật ươm dừa giống, cung cứng vật tư nông nghiệp phục vụ thành viên HTX. Lúc đầu mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của Hội đồng quản trị và thành viên HTX, hoạt động HTX dần đi vào nền nếp.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, ông Đức tích cực phối hợp ngành Nông nghiệp huyện và các ngành liên quan thực hiện nhiều dự án, hợp đồng tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm thành viên HTX.

Hiện nay, hằng năm HTX cung ứng 10.000 trái dừa giống và trên 20.000 trái dừa tươi ra thị trường. Diện tích dừa thành viên HTX đạt chứng nhận VietGAP từ năm 2018 và được tái công nhận; 50 ha dừa của thành viên HTX đã được thẩm định đạt mã số vùng trồng.

Hiện HTX đang thực hiện xây dựng sản phẩm để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Toàn Cầu hợp đồng xuất khẩu dừa sang Trung Quốc.

Sản phẩm dừa tươi của HTX.

Còn đối với CCB Phạm Trung Phước, năm 1976 ông tham gia bộ đội tại Sư đoàn 8 - Quân khu 9. Đến năm 1984, ông xuất ngũ trở về địa phương, tham gia vào Hội CCB xã, sau đó được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Hòa Phú cho đến nay.

Trở về quê nhà, CCB Phước cũng chọn cây dừa Mã Lai để phát triển kinh tế gia đình. Với 1 ha dừa, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 36.000 trái, cho thu nhập 250 triệu đồng.

CCB Phạm Trung Phước chia sẻ, để góp sức phát triển kinh tế tập thể địa phương, ông cũng tham vào Hội đồng quản trị của HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Tịnh với vai trò là kiểm soát viên. Với vai trò của mình, ông cố gắng duy trì và kết hợp thành viên thu mua dừa tươi, dừa giống để hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên với giá thành hợp lý.

Từ những tâm huyết của những CCB, tình hình hoạt động của HTX năm 2023 có chuyển biến tăng so với năm 2022. Cụ thể năm 2023, tổng doanh thu của HTX là 319 triệu đồng. Sản phẩm của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có QR-Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên được khách hàng tin tưởng.

Đồng thời, HTX góp phần gia tăng thu nhập cho hộ thành viên tham gia từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/năm. Trên cơ sở hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa thành viên và HTX thì lợi ích mang lại cho thành viên là giá bán cao hơn thị trường từ 4.000 - 5.000 đồng/cây dừa giống và từ 500 - 1.000 đồng/trái dừa tươi.

Mặc dù vậy, hiện tại HTX cũng còn gặp khó khăn về nhân lực, cần một số cán bộ trẻ năng động, có trình độ tham gia hợp tác; kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ điểm xây dựng kho bãi...

HTX giao dừa giống cho thành viên và người dân.

Với tinh thần đoàn kết, các thành viên trong HTX không chỉ coi nhau là đồng nghiệp, mà còn như những người bạn, người đồng đội. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên một tập thể đoàn kết, vững mạnh, xây dựng kinh tế tập thể phát triển bền vững.

Qua đánh giá xếp loại HTX, HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Tịnh đạt loại Khá. Năm 2021, HTX được UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 13 ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Năm 2023, HTX được UBND xã Hòa Tịnh tặng Giấy khen vì có đóng góp phát triển và nâng cao kinh tế tập thể.

Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Tịnh Võ Văn Xuân cho biết, với tinh thần quyết tâm phát triển kinh tế địa phương, việc làm thiết thực của CCB Nguyễn Văn Đức, Phạm Trung Phước là minh chứng rõ nét cho tinh thần “Cùng giúp nhau lập nghiệp, làm giàu”. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh, phát triển bền vững trên mảnh đất Hòa Tịnh tiềm năng.

HƯỞNG XUYÊN - P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202409/2-cuu-chien-binh-tam-huyet-voi-phat-trien-kinh-te-tap-the-1021999/