2 đầu tàu kinh tế có điểm chất lượng nước sinh hoạt thấp nhất cả nước

Điểm quản trị môi trường trong Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhìn chung đã có sự cải thiện nhưng chưa rõ rệt so với năm 2021.

Theo báo cáo PAPI 2022 mới được công bố, tất cả các địa phương trên toàn quốc vẫn chỉ đạt điểm dưới 5, tức là dưới mức trung bình trên thang điểm 10. Nguyên nhân chủ yếu, theo đánh giá của người dân, nằm ở chất lượng nguồn nước sinh hoạt chưa tốt, đồng thời chính quyền địa phương vẫn thiếu nghiêm túc trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Chưa đến 78% số người dân được hỏi cho biết doanh nghiệp tại địa phương không phải “chung chi” cho chính quyền để tránh né nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Con số này có cải thiện nhưng không đáng kể so với mức khoảng 75% của năm 2021. Tuy nhiên, xét cụ thể từng địa phương, tỷ lệ này giảm đáng kể ở 49 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Bình và Thanh Hóa giảm đến hơn 18%.

PAPI 2021: Cả nước dưới mức trung bình về quản trị môi trường

Năm 2022, 2 đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước là TP.HCM và Hà Nội tiếp tục là 2 địa phương có điểm chất lượng nước sinh hoạt thấp nhất cả nước. Đây cũng là 2 thành phố nằm trong top 7 thành phố có điểm quản trị môi trường dưới 3/10, thấp nhất cả nước.

Cụ thể, các địa phương có điểm quản trị dưới 3 bao gồm Hà Nội (2,9338 điểm); Hải Dương (2,8195 điểm); Đắk Lắk (2,9834 điểm); Bình Phước (2,9016 điểm); Tây Ninh (2,9815 điểm); Đồng Nai (2,83 điểm) và TP.HCM (2,9737 điểm).

Điểm quản trị môi trường thấp, thể hiện mối quan ngại về ô nhiễm môi trường tập trung chủ yếu ở khi vực Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi có nhiều tỉnh, thành phố phát triển công nghiệp. Đây là minh chứng cho thấy mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điểm quản trị môi trường tốt hơn so với các khu vực khác, với 11/13 tỉnh, thành phố thuộc nhóm có điểm quản trị môi trường trung bình cao và cao. Tỉnh Đồng Tháp thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương dẫn đầu về điểm quản trị môi trường trong báo cáo PAPI năm nay, đạt khoảng hơn 4,6 điểm.

Tỉ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương có ưu tiên bảo vệ môi trường thay vì phát triển kinh tế bằng mọi giá

Tỉ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương có ưu tiên bảo vệ môi trường thay vì phát triển kinh tế bằng mọi giá

Nhìn chung, so với năm 2021, điểm quản trị môi trường năm 2022 chưa có nhiều sự cải thiện. Tuy nhiên, một điểm sáng có thể nhìn thấy là tỷ lệ người dân cho rằng chính quyền địa phương có sự ưu tiên cho bảo vệ môi trường thay vì tập trung tăng trưởng bằng mọi giá tăng lên ở khoảng 2/3 số địa phương. Điều này cho thấy những nhận thức mới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang dần được nhen nhóm, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thay đổi mang tính đột phá về công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai tới.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/2-dau-tau-kinh-te-co-diem-chat-luong-nuoc-sinh-hoat-thap-nhat-ca-nuoc-1681293717895.htm