2 giải pháp giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0

Chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra 2 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng cho mục tiêu Net Zero là nhân lực xanh và hạ tầng xanh.

 PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: NetZero.

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: NetZero.

Ngày 1/11, chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững", PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều chỉnh chiến lược, chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0.

2 yếu tố đóng vai trò then chốt

Chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng cho mục tiêu Net Zero là nhân lực xanh và hạ tầng xanh.

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, nhân lực xanh đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành công nghiệp như năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, nông nghiệp bền vững và sản xuất sạch.

Lực lượng lao động cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thúc đẩy quá trình số hóa mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, chuyển đổi số cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Nhân lực trong lĩnh vực này cần có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới nổi khác.

"Tuy nhiên, thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay là đảm bảo lực lượng lao động có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường, giúp quốc gia không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi bao trùm", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ lưu ý.

Về đầu tư hạ tầng xanh, theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các công trình thân thiện với môi trường, tạo điều kiện cải thiện chất lượng môi trường sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và kinh tế số.

 Nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thách thức và cơ hội

Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết với bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các tác động của khí hậu, ảnh hưởng tới 100 triệu dân.

Nhiều vùng trũng thấp, các khu đô thị và trung tâm kinh tế như TP.HCM, Cần Thơ đang đối mặt với nguy cơ cao về sụt lún, ngập úng, ảnh hưởng đến các vùng kinh tế quan trọng của đất nước. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long với 18 triệu người sinh sống cũng đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập lụt lớn trong tương lai.

Đánh giá cho thấy Việt Nam sẽ chịu thiệt hại kinh tế lớn do khí hậu, lên tới 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 3,2% GDP. Các mô hình dự báo cho thấy chi phí kinh tế từ biến đổi khí hậu có thể đạt 523 tỷ USD vào năm 2050.

Nhìn vào bối cảnh chung này, ông Erick Contreras - đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, Tổng giám đốc BASF Việt Nam - đánh giá quá trình chuyển đổi xanh là cần thiết nhưng để phát triển bền vững thì vẫn đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong đó có vấn đề về nhận thức và hiểu rõ về chủ đề bền vững, tiếp cận công nghệ và tài chính xanh, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, khung chính sách và biện pháp thực thi rõ ràng.

Bởi lẽ, phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là xu hướng mà là một lộ trình dài hơi và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự hiểu biết rõ ràng và cam kết lâu dài. Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm bền vững hay các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị - gọi là ESG - vẫn còn mới mẻ và đôi khi khó tiếp cận.

Những câu hỏi như bắt đầu từ đâu, làm thế nào để tích hợp bền vững vào quy trình sản xuất hàng ngày, tuyển dụng đội ngũ nhân sự với bộ kỹ năng mới ra sao, công nghệ nào là cần thiết... vẫn còn là những thắc mắc chưa có lời giải rõ ràng.

Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ chỉ ra quy luật thách thức sẽ tạo nên cơ hội. Ông cho rằng cơ hội là huy động tài chính khí hậu và tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư... sẽ mở ra tiềm năng lớn.

Hệ thống tài chính có thể hỗ trợ bằng việc cung cấp sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh và tín dụng xanh. Đây sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp công nghệ sạch.

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Ông Thọ lấy ví dụ các quỹ khí hậu toàn cầu như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đang mở ra cơ hội tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo và các dự án quản lý nước bền vững.

Hệ thống tài chính có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh và tín dụng xanh cũng sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp công nghệ sạch.

Đề cập đến vai trò của Chính phủ, theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, cơ quan quản lý cần xây dựng danh mục phân loại xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khung pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, bao gồm việc phát triển hạ tầng tài chính kỹ thuật số, hệ thống giám sát và đánh giá môi trường, nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng tài chính khí hậu.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/2-giai-phap-giup-viet-nam-dat-phat-thai-rong-bang-0-post1508232.html