2 'hỏa ngục' ngay trên bề mặt Trái đất

Một nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu của một cặp vệ tinh được trang bị máy quang phổ hình ảnh độ phân giải trung bình (MODIS) của NASA đã tìm ra 2 'hỏa ngục' khủng khiếp trên Trái đất, với nhiệt độ bề mặt vượt quá 80 độ C. Theo đó, từ trước tới nay Thung lũng chết ở Mỹ giữ kỷ lục về nơi có nhiệt độ không khí cao nhất trên Trái đất (56,7 độ C) nhưng khi xét đến nhiệt độ bề mặt, có 2 nơi còn đáng sợ hơn. Đó là sa mạc Lut ở Iran và sa mạc Sonoran dọc biên giới Mexico - Mỹ.

Bề mặt sa mạc Lut ở Iran. Nguồn: IRAN ON ADVENTURE.

Bề mặt sa mạc Lut ở Iran. Nguồn: IRAN ON ADVENTURE.

Tại một số khu vực thuộc các sa mạc này, nhiệt độ vào cuối tháng 7/2024 đã chạm mốc không tưởng là 80,8 độ C - có nghĩa là chưa tới mức làm sôi nước nhưng đủ để làm chín những quả trứng, hoặc để pha cà phê. Nhà sinh thái học David Mildrexler của tổ chức bảo tồn Eastern Oregon Legacy Lands cho biết, vào năm 2011, nhóm nghiên cứu đã từng ghi nhận nhiệt độ bề mặt cao nhất đo được ở sa mạc Lut là 70,7 độ C. Tuy nhiên, tới nay nó đã vọt lên hơn 80 độ C, có thể hiểu là Trái đất đang nóng lên rất nhanh. Việc bề mặt tăng 10 độ C chỉ sau hơn 10 năm là tin rất xấu cho hệ sinh thái.

Theo một báo cáo được công bố năm 2021, giới hạn nhiệt độ mà cơ thể con người có thể duy trì hoạt động và cân bằng là trong khoảng 40 - 50 độ C. Khi nhiệt độ không khí đạt tới 50 độ C, cơ thể chúng ta không thể tản nhiệt được nữa và nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên.

Trong khi đó, cũng có những tin tích cực, trước hết là việc giới khoa học đã bất ngờ phát hiện dấu hiệu của nước trên Mặt trăng. Trước đó, mẫu do các sứ mệnh Apollo của Mỹ mang về vào những năm 1960 và 1970 không cho thấy dấu vết nào của nước, khiến các nhà khoa học tin rằng phần lớn đất trên Mặt trăng hoàn toàn khô. Tuy nhiên, nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Nature Astronomy cho thấy đã tìm ra bằng chứng trực tiếp về nước ẩn trên Mặt trăng, có khả năng đặt nền tảng cho việc khai thác tài nguyên trong tương lai và xây dựng căn cứ trên vệ tinh tự nhiên gần nhất của loài người. Điều đó cũng mang tới hy vọng nơi “định cư mới” của loài người cùng với Trái đất.

Đáng chú ý, không chỉ việc hiện diện của nước trên Mặt trăng khiến các nhà khoa học kinh ngạc, mà amoniac - một thành phần quan trọng khác của nhiên liệu tên lửa, cũng được tìm thấy. Những dấu hiệu đó đã làm nổi bật tiềm năng của Mặt trăng như một địa chỉ cho sự sống.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/2-hoa-nguc-ngay-tren-be-mat-trai-dat-10287297.html