2 lần khâu cổ tử cung để giữ thai thêm 12 tuần trong bụng mẹ
Với những kỹ thuật đỉnh cao về sản khoa, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã 2 lần cân não khâu cổ tử cung cho sản phụ có nguy cơ sinh non giữ được thai 12 tuần trong bụng mẹ.
Khám thai định kỳ khi thai đang ở tuần 21, thai phụ Trần Thị H. (28 tuổi, Nam Định) vô tình được phát hiện có dấu hiệu dọa đẻ non khi thực hiện siêu âm thai: cổ tử cung mở dù thai phụ không cảm nhận đau bụng hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.
Thai phụ được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 ngay để điều trị giữ thai. Khi đó, thai ước lượng nặng khoảng 450g, đa ối, cổ tử cung mở 4cm, đầu ối căng phồng và thõng vào trong âm đạo, phần thai đã xuống dưới, tiên lượng sảy thai gần như chắc chắn.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương, Phó Trưởng khoa Sản bệnh A4 - bác sĩ trực tiếp tiếp nhận và theo dõi điều trị cho chị H. nhận thấy đây là 1 trường hợp rất khó, muốn giữ được thai thì cần giải quyết được cơn co tử cung và khâu vòng cổ tử cung nhằm bảo vệ đầu ối.
Tuy nhiên, do bệnh nhân cùng lúc có nhiều yếu tố như thai cực non tháng, đa ối, cổ tử cung mở nhiều, đầu ối căng phồng và thõng vào trong âm đạo, sẹo mổ lấy thai cũ... nên nếu tiến hành khâu cổ tử cung ngay thì khả năng thất bại rất cao (vỡ ối, chuyển dạ đẻ non,...).
"Cân nhắc nguyện vọng tha thiết mong muốn giữ thai của gia đình, giải thích mọi nguy cơ có thể xảy ra, chúng tôi nhận định cần phải giảm áp lực buồng ối bằng rút bớt nước ối, sau đó tiến hành khâu cổ tử cung nhiều lần sẽ có khả năng giữ thai thành công", Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương cho hay.
Được sự đồng ý của gia đình và thai phụ, sau khi xin ý kiến và được sự đồng thuận của lãnh đạo Bệnh viện, kíp thủ thuật khâu vòng cổ tử cung gồm: Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương, kíp phẫu thuật và bác sĩ gây mê hồi sức phối hợp tiến hành thủ thuật giảm ối dưới hướng dẫn của siêu âm và kim chuyên dụng, cho chọc hút nước ối.
"Sau khi rút ra khoảng 2.000ml nước ối, chúng tôi tiến hành khâu vòng cổ tử cung với tư thế đầu thấp trong khi truyền duy trì thuốc giảm co tử cung tích cực.
Mọi thao tác cần chính xác tuyệt đối, vô khuẩn và chỉn chu từng chút một, bảo đảm không gây vỡ màng ối trong quá trình thủ thuật.
Kết thúc thủ thuật an toàn nhưng giai đoạn theo dõi tiếp theo vẫn là 1 thách thức đối với chúng tôi và gia đình thai phụ", bác sĩ Phương chia sẻ.
Rất may mắn, sau thủ thuật, cơn co tử cung được khống chế, cổ tử cung được tăng cường chắc chắn, thai nhi phát triển khỏe mạnh.
2 tuần sau khâu vòng cổ tử cung, lượng nước ối được hồi phục hoàn toàn, mũi chỉ khâu tạm thời che phủ được đầu ối.
Tuy nhiên, 3 tuần tiếp theo, ở tuần 25 của thai kỳ, dưới áp lực của cơn co tử cung, cổ tử cung của thai phụ lại hé mở dần, không còn che phủ được đầu ối, chỉ khâu vòng chỉ giữ được1/2 phía trên của cổ tử cung.
Một lần nữa, ekip lại thực hiện thủ thuật lần 2, khâu kéo toàn bộ phần mép sau cổ tử cung để che phủ đầu ối.
Với những nỗ lực giữ thai cho sản phụ, đến tuần thứ 33, thai phụ xuất hiện cơn chuyển dạ, kết quả một bé trai nặng 2.000g cất tiếng khóc chào đời.
Sau sinh, con khóc tốt và được theo dõi tại khoa Sơ sinh, hiện tình trạng sức khỏe của con ổn định.
Bác sĩ Trương Minh Phương cho biết, chuyển dạ đẻ non trên nền cổ tử cung của mẹ bị suy yếu có thể diễn tiến một cách âm thầm. Do vậy, tất cả các thai phụ đều cần được theo dõi, quản lý thai nghén một cách chặt chẽ.
Khâu vòng cổ tử cung cấp cứu là một thủ thuật khó nên cần được thực hiện tại những cơ sở sản khoa lớn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên ngành sản khoa, gây mê hồi sức và y học bào thai.