2 'ranh giới đỏ' của Ukraine trong vấn đề dân tộc thiểu số với Hungary
Dù chịu áp lực của Hungary trong quá trình gia nhập EU, nhưng có 2 nhượng bộ mà Ukraine có thể từ chối.
Theo tờ Pravda châu Âu (EuroPravda) của Ukraine mới đây, Chính phủ nước này đã cam kết chắc chắn đáp ứng các điều kiện của EU liên quan đến quyền của người thiểu số càng nhanh càng tốt, thậm chí có thể trước hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12 năm nay, nhưng nhiều vấn đề đang bị đe dọa.
Sau các cuộc đàm phán ở Kiev, đầu tiên là với [Chủ tịch Ủy ban châu Âu] Ursula von der Leyen và sau đó với [Chủ tịch Hội đồng châu Âu] Charles Michel, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng nước này đã quyết định đáp ứng tất cả các điều kiện, bao gồm cả những điều kiện liên quan đến người dân tộc thiểu số.
Bằng cách này, Kiev hy vọng sẽ có thể ngăn sự phong tỏa của [Thủ tướng Hungary] Viktor Orbán tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU vào tháng 12/2023 và buộc ông Orbán về mặt chính trị phải “bật đèn xanh” cho Ukraine liên quan đến mở các cuộc đàm phán gia nhập khối.
Một dự thảo sửa đổi luật pháp Ukraine về các nhóm thiểu số đã được chuẩn bị. Một phiên bản đã được Cơ quan Chính sách Dân tộc Nhà nước Ukraine xuất bản và EuroPravda cũng đã nhận được phiên bản cập nhật phản ánh các cuộc tham vấn bổ sung.
Tuy nhiên, dự thảo luật này dường như không được chấp nhận vì nó vượt qua “ranh giới đỏ” quan trọng đối với Ukraine, dù vẫn còn thời gian để cải thiện.
Ít nhất một trong những ranh giới đỏ này đã được Chính phủ Ukraine chính thức công nhận. Ranh giới đỏ đầu tiên là về ngôn ngữ Ukraine bắt buộc đối với người Hungary, Romania và tất cả các dân tộc thiểu số khác ở Ukraine. Điều này là không thể thỏa hiệp, ngoại trừ việc áp dụng cho giai đoạn chuyển tiếp.
Ranh giới đỏ thứ hai là người Ukraine đi du lịch đến các khu vực có đông người thiểu số sẽ không còn có cảm giác như đang ở nước ngoài.
Vì vậy, bất kỳ thỏa hiệp nào được thực hiện để đảm bảo quyền của thiểu số đều phải bảo vệ những nguyên tắc trên.
6 năm trước Ukraine đã quyết định giải quyết một vấn đề tồn tại lâu dài: các vùng lãnh thổ tập trung nhiều người dân tộc thiểu số đang ngày càng xa cách với phần còn lại của Ukraine.
Các khu vực chính được đề cập là Berehove và các ngôi làng dọc theo sông Tisza ở Zakarpattia, nơi người dân tộc Hungary chiếm đa số tuyệt đối và khu vực Hertsaivsky nói tiếng Romania ở Bukovyna. Cư dân ở những khu vực này thường không cảm thấy mình là công dân Ukraine.
Một nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm vấn đề là khoảng cách ngôn ngữ. Hầu hết trẻ em ở những khu vực trên không nói được tiếng Ukraine. Ngoài ra, người Ukraine cũng hầu như vắng mặt ở các trường học ở đó. Tất cả chương trình giáo dục đều bằng tiếng Hungary và tiếng Romania. Tiếng Ukraine giống như môn học ngoại ngữ.
Thật không may, trong hơn hai thập kỷ, chính quyền trung ương Ukraine ít quan tâm đến tình hình ở các khu vực như vậy. Trong khi trước năm 1991, người Hungary và người Romania ở địa phương phải học tiếng Nga, ngôn ngữ mà ở Liên Xô được coi là "ngôn ngữ giao tiếp giữa các sắc tộc", thì sau khi độc lập, tiếng Ukraine không có vai trò này.
Luật Giáo dục của Ukraine được thông qua năm 2017 là nỗ lực đầu tiên nhằm tháo gỡ nút thắt phức tạp này. Tuy nhiên, nỗ lực đã không thành công. Thất bại không chỉ vì việc thông qua luật này đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ với Hungary. Những lời chỉ trích cũng đến từ các quốc gia EU khác và từ Ủy ban Venice (cơ quan tư vấn của EU).
Ngoài các vấn đề quốc tế, một điểm nghẽn khác là 6 năm sau khi Luật Giáo dục được thông qua, các quy định mới về giáo dục ngôn ngữ thiểu số vẫn chưa được thực thi. Ukraine một lần nữa trì hoãn việc thực thi các quy định này mà không đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về cách triển khai giáo dục song ngữ hoặc các cơ chế hiệu quả khác.
Nhưng năm 2023, việc Ukraine gia nhập EU đã đạt được một số bước tiến và giải quyết vấn đề “thiểu số” đã trở thành một trong những điều kiện để bắt đầu đàm phán gia nhập.