2 tên lửa Trung Quốc vừa phóng ra Biển Đông mạnh đến đâu?
Hai tên lửa DF-26 và DF-21 đều là tên lửa đạn đạo tầm trung diệt hạm, trong đó DF-26 được xem là tên lửa 'diệt tàu sân bay'.
Sáng 26-8, Trung Quốc phóng hai tên lửa ra Biển Đông, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn một nguồn tin thân cận quân đội cho biết.
Đây là hai tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26B và DF-21D. Sức mạnh của hai tên lửa này thế nào?
Tên lửa đạn đạo DF-26 (Đông Phong -26 được trình làng lần đầu trong cuộc diễu binh năm 2015 kỷ niệm ngày chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai. Tháng 4-2018, DF-26 được chính thức xác nhận biên chế về Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc (PLARF).
Tên lửa DF-26 có tầm bắn 4.000 km, có thể sử dụng trong tấn công hạt nhân lẫn thông thường, nhắm các mục tiêu trên mặt đất lẫn trên biển, còn được xem là tên lửa “diệt tàu sân bay”.
DF-26 là loại tên lửa đạn đạo thông thường đầu tiên của Trung Quốc có khả năng bắn được tới đảo Guam và các cơ sở quân sự của Mỹ đóng ở đây. Nhiều cư dân mạng còn đặt tên DF-26 là “Guam tốc hành” hay “Kẻ tiêu diệt Guam”.
Tên lửa DF-26 nằm trong danh sách bị cấm triển khai theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Mỹ ký với Liên bang Xô viết để chấm dứt chiến tranh lạnh. Khi rút khỏi hiệp ước ngày năm ngoái, Mỹ viện đến sự triển khai tên lửa này của Trung Quốc như là một lý do.
Trong khi đó tên lửa DF-21 (Đông Phong -21) là tên lửa đạn đạo tầm trung, một đầu đạn, động cơ sử dụng nhiên liệu rắn hai tầng. Tên lửa DF-21 được hoàn thành giữa thập niên 80 sau gần 20 năm phát triển, tuy nhiên đến đầu thập niên 90 mới được triển khai.
DF-21D có tầm bắn 1.800 km, được trang bị đầu đạn chuyên dùng để chống tàu và được xem là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.
Theo nguồn tin quân sự Trung Quốc, động thái phóng hai tên lửa DF-26 và DF-21 của Trung Quốc nhằm mục đích cải thiện khả năng đối phó các lực lượng khác ở Biển Đông. Tuy nhiên có ý kiến chuyên gia cho rằng động thái này của Trung Quốc nhằm gửi thông điệp cảnh cáo đến Mỹ.
Theo nhà bình luận về quân sự Song Zhongping, “Mỹ tiếp tục thử sức chịu đựng của Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan và Biển Đông, và điều này buộc Trung Quốc phải thể hiện sức mạnh quân sự của mình để Washington biết rằng thậm chí tàu sân bay của Mỹ cũng không thể phô diễn hết sức mạnh gần bờ biển Trung Quốc”.
Một động thái được cho là hiếm hoi, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cùng lúc nhiều cuộc tập trận ở bốn vùng biển. Đầu tháng này quân đội Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, cùng thời điểm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đến Đài Bắc.
Tháng 7, quân đội Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, biển Hoa Đông, Hoàng Hải, trong bối cảnh hai đội tác chiến tàu sân bay Mỹ hiện diện và tập trận ở Biển Đông.