Mỹ dỡ bỏ rào cản vũ khí tầm xa với Ukraine liệu có quá muộn?

Quyết định của chính quyền Tổng thống Biden hôm 17/11 cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể giúp nước này bảo vệ chỗ đứng của mình ở khu vực Kursk của Nga, nhưng có thể đã quá muộn?

Hai tháng trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ một số hạn chế ngăn Kiev sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Theo Reuters, các nhà phân tích quân sự cho biết, tác động trên chiến trường, nơi Ukraine đã đứng vững trong nhiều tháng, sẽ phụ thuộc vào những giới hạn còn lại. Nhưng, trong khi sự thay đổi này có thể củng cố chiến dịch của Ukraine ở Kursk, nó không có khả năng là một yếu tố thay đổi cuộc chơi nói chung.

Ô tô và một tòa nhà bị hư hại nặng nề trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Odesa, Ukraine vào ngày 18/11/2024. (Ảnh: Reuters)

Ô tô và một tòa nhà bị hư hại nặng nề trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Odesa, Ukraine vào ngày 18/11/2024. (Ảnh: Reuters)

"Quyết định được đưa ra có thể đã quá muộn để thay đổi đáng kể tiến trình của cuộc chiến", nhà phân tích quân sự Michael Kofman, một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington cho biết.

Cũng không có cách nào để biết chính sách mới này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó đã nhận những lời chỉ trích của ông Richard Grenell, một trong những cố vấn chính sách đối ngoại thân cận nhất của ông Donald Trump, người chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.

Ông Trump từ lâu đã chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Kiev và tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh nhanh chóng, nhưng không tiết lộ rõ ông sẽ làm thế nào.

Ukraine đã vận động hành lang cho sự thay đổi này trong nhiều tháng, cho rằng việc không thể tấn công các khu vực bên trong lãnh thổ Nga, đặc biệt là các căn cứ không quân quân sự có máy bay chiến đấu tham gia vào các cuộc tấn công vào Ukraine, là một bất lợi lớn.

Các lực lượng Nga đã tấn công mạnh trong hơn một năm qua và có những bước tiến với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022 ở miền Đông Ukraine và gây áp lực ở phía Đông Bắc và Đông Nam.

Nga tuyên bố Ukraine không thể bắn tên lửa vào các mục tiêu bên trong nước Nga mà không có sự giúp đỡ trực tiếp từ các đồng minh NATO và gọi đây là một sự leo thang lớn. Ngày 18/11, Điện Kremlin cho biết, bất kỳ quyết định nào như vậy có nghĩa là Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Theo Reuters đưa tin, các cuộc tấn công đầu tiên của Ukraine có thể xảy ra trong những ngày tới và có khả năng được thực hiện bằng tên lửa ATACMS, có tầm bắn lên tới 190 dặm (306km). Một quan chức quốc phòng Trung Âu cho biết, các cuộc tấn công sẽ mang lại cho Kiev cơ hội lớn hơn để tự vệ trước các cuộc tấn công trên không, nhưng sẽ không làm thay đổi cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine.

Nga đã di chuyển nhiều khí tài trên không của mình ra ngoài tầm với của vũ khí phương Tây ở Ukraine, quan chức này cho biết, mặc dù tầm bắn sẽ vượt ra ngoài khu vực Kursk do Ukraine chiếm đóng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói rằng, chưa biết Ukraine có bao nhiêu tên lửa và liệu chúng có đủ để tác động đến chiến trường hay không.

Việc được phép tấn công sâu vàolãnh thổ Nga bằng tên lửa do Mỹ cung cấp có thể có tác động trực tiếp nhất ở Kursk, nơi Ukraine đặt mục tiêu và đã chiếm được một điểm quan trọng sau cuộc tấn công xuyên biên giới lớn đầu tiên vào tháng 8. Khu vực này có thể là một con bài “mặc cả” trong bất kỳ cuộc đàm phán nào sau khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Kiev nói rằng, Nga đã tập trung 50.000 quân để cố gắng chiếm lại lãnh thổ ở Kursk và có sự hỗ trợ của binh lính Triều Tiên. Nga không xác nhận cũng không phủ nhận việc triển khai này.

"Tên lửa ATACMS có thể gây nguy hiểm cho các mục tiêu có giá trị cao của Nga và Triều Tiên. Điều này sẽ giúp các lực lượng Ukraine bảo vệ Kursk, nơi đang chịu nhiều áp lực", ông Michael Kofman nói.

Trong khi đó, Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia, cho rằng, Ukraine sẽ khó giữ vững vị trí ở Kursk trong dài hạn, nhưng vận may của họ ở đó sẽ phụ thuộc vào các nguồn lực. "Ukraine đã khẳng định sẽ giữ một số đơn vị tốt nhất của mình ở đó, vì vậy họ có thể cầm cự được một thời gian nếu tiếp tục nhận đủ đạn dược", ông nói.

Pháp và Anh chưa nói rõ liệu họ có “theo chân người Mỹ” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP có tầm bắn 250km hay không.

"Nga có thể bắn hạ Storm Shadow và ATACMS, vì vậy kích thước loạt đạn có thể được phóng cũng là một cân nhắc quan trọng", ông Lee cho biết thêm.

Quyết định cho phép các cuộc tấn công chỉ được đưa ra sau nhiều tháng vận động hành lang của Ukraine theo một mô hình lặp đi lặp lại trong suốt cuộc chiến khi chính quyền Tổng thống Biden cố gắng cân bằng sự hỗ trợ cho Ukraine với lo ngại về sự leo thang.

Trước đó, Washington đã do dự trong nhiều tháng trước khi phê duyệt cung cấp cho Ukraine tên lửa, xe tăng và máy bay tầm xa.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, sự chậm trễ này đã cho Moscow thời gian để phục hồi sau những thất bại ban đầu và củng cố phòng thủ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, góp phần vào sự thất bại của một cuộc phản công lớn mà Ukraine thực hiện vào năm ngoái.

An Nguyên

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/my-do-bo-rao-can-vu-khi-tam-xa-voi-ukraine-lieu-co-qua-muon-459672.html