2 tình yêu lớn trong cuộc đời NSND Trung Kiên

Ngoài niềm đam mê, tận hiến cho nghệ thuật, NSND Trung Kiên còn là người hết lòng với gia đình, từng đứa cháu nhỏ nhận từ ông không chỉ tình yêu mà cả sự tôn trọng.

NSND Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin), người vừa qua đời sáng 27/1 ở tuổi 83, là một trong những cây đại thụ của thanh nhạc Việt Nam. Ông là nghệ sĩ tài hoa, người thầy tận tụy, nhà quản lý tâm huyết và là người đàn ông hết lòng hết dạ với gia đình. Có thể nói âm nhạc và gia đình là hai tình yêu lớn trong đời ông.

Hạnh phúc được hát và dạy hát

NSND Trung Kiên sinh năm 1938 tại Kiến Xương, Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông nổi tiếng cùng lớp NSND đầu tiên của nền thanh nhạc Việt Nam như Quý Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng.

NSND Trung Kiên và con dâu cũ Thanh Lam biểu diễn trên sân khấu.

NSND Trung Kiên và con dâu cũ Thanh Lam biểu diễn trên sân khấu.

Trung Kiên có chất giọng ténor sang trọng, khỏe, sáng, kịch tính, trữ tình, chất giọng chuẩn mực để thể hiện các vai trong opera, cũng như romance cổ điển. Nhắc đến NSND Trung Kiên, người ta sẽ nhớ đến Chào sông Mã (Xuân Giao), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Tình ca (Hoàng Việt). Trong đó, Tình ca của Hoàng Việt - một trong những bản tình ca đẹp nhất thời chiến trận, được khán giả nhớ đến nhiều nhất.

Như nhiều nghệ sĩ thế hệ mình, ông cùng chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đem tiếng hát đến những chiến trường ác liệt nhất phục vụ bộ đội và bà con. Những năm tháng ấy, với họ, hát phục vụ chiến sỹ và đồng bào mình là niềm hạnh phúc và tự hào.

NSND Trung Kiên từng tự hào chia sẻ: "Hồi đó được đi hát cho bộ đội là một niềm tự hào, chẳng phải để nổi danh, chẳng để so bì lẫn nhau, chỉ bởi đơn giản nghệ sĩ nào cũng nghĩ mình đang đóng góp một phần cho cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, đang góp một phần nhỏ sức mình để động viên những người lính chiến đấu anh dũng vì đất nước. Càng đi đến nhiều chiến trường, càng hát cho nhiều người lính, họ càng hiểu hơn giá trị của sự hy sinh, sự sống còn, hòa bình và độc lập”. Và cũng vì thế mà chẳng ai sợ hãi khi băng mình vào nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, cất tiếng hát oai hùng và tha thiết yêu quê hương, dân tộc.

NSND Trung Kiên và học trò Phương Nga, Nguyên Vũ.

NSND Trung Kiên và học trò Phương Nga, Nguyên Vũ.

Bên cạnh sự nghiệp ca hát, NSND Trung Kiên còn đào tạo ra rất nhiều tên tuổi lớn trong làng thanh nhạc như: NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương, Lan Anh... Đặc biệt, sau này khi về già, ít đi hát hơn, Trung Kiên dồn tâm lực của mình để truyền kinh nghiệm và đam mê cho lứa sinh viên sau này. Họ đều dành cho người thầy của mình sự kính trọng tuyệt đối, luôn tìm đến ông để thể hiện sự biết ơn.

Năm 1992, NSND Trung Kiên trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật trong 10 năm liên tục cho đến khi ông về hưu năm 2011.

Bạn đồng hành của vợ, con, cháu

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc nên từ nhỏ, NSND Trung Kiên đã tham gia dàn đồng ca của Đài Phát thanh thuộc Sở Văn hóa Hà Nội. Học hết lớp 10, ông thi vào Nhạc viện và quen người vợ đầu tiên - nghệ sĩ Thanh Nga trong môi trường âm nhạc đó. Họ sinh hoạt văn nghệ cùng nhau, nảy sinh tình cảm và kết hôn. Trái ngọt của tình yêu ấy là nhạc sĩ Quốc Trung. NSND Trung Kiên được biết đến là người ấm áp, yêu vợ và lo lắng, chăm sóc cho con cháu hết lòng.

Vợ chồng NSND Trung Kiên, NSND Thu Hà và cháu gái Thiện Thanh (con gái Quốc Trung, Thanh Lam).

Vợ chồng NSND Trung Kiên, NSND Thu Hà và cháu gái Thiện Thanh (con gái Quốc Trung, Thanh Lam).

Suốt những năm bà Thanh Nga bị bệnh, NSND Trung Kiên vừa lo đảm trách công tác ở Bộ Văn hóa Thông tin vừa chăm vợ, chăm cháu nội mà không hề than thở. Vì thế, dẫu chống chọi với ung thư 7 năm, bà Thanh Nga đã sống những ngày tháng cuối đời hạnh phúc với tình yêu, sự động viên của chồng, trong khi NSND Trung Kiên luôn cố giấu nhẹm những giọt nước mắt xót xa. Sau bà qua đời, cả ông và con trai đều trải qua những tháng ngày chông chênh lớn.

Cũng với tình yêu đặc biệt ấy, NSND Trung Kiên đào tạo nên một Quốc Trung tài năng cho làng nhạc nhẹ Việt Nam. Thời bao cấp, gia cảnh ai cũng khó khăn, NSND Trung Kiên "dám" đầu tư mua cho con trai một cây đàn piano để tập luyện. Quan điểm dạy con của NSND Trung Kiên là khuyến khích chứ không bao giờ ép buộc con cái (và Quốc Trung cũng thừa hưởng quan điểm, cách dạy con này để áp dụng với 2 con).

NSND Trung Kiên biểu diễn cùng cháu gái Thiện Thanh trên sân khấu.

NSND Trung Kiên biểu diễn cùng cháu gái Thiện Thanh trên sân khấu.

NSND Trung Kiên từng hướng con trai theo con đường âm nhạc cổ điển, nhưng anh lại thích nhạc nhẹ, nhạc hiện đại. Hiểu nguyện vọng của con trai, ông bằng lòng cho con rẽ sang đam mê khác. Trong nhiều năm, NSND Trung Kiên vừa là cha, vừa là bạn đồng hành của con. Ông cũng dành nhiều thời gian chăm sóc các cháu khi Quốc Trung và Thanh Lam ly hôn.

Ở tuổi xế chiều, NSND Trung Kiên cùng NSND Thu Hà xây tổ ấm mới. Dù chỉ đến với nhau khi đã lớn tuổi nhưng cả hai dành cho nhau rất nhiều tình yêu và sự ấm áp. Họ không chỉ yêu mà còn dành cho nhau sự trân trọng, ngưỡng mộ của những người tri âm tri kỷ. Giống như chồng, NSND Thu Hà tuy rất thành công trong sự nghiệp nhưng cũng là người phụ nữ của gia đình. Bà rất vun vén, đặc biệt dành nhiều tình yêu cho con và cháu của chồng. Bà dạy các cháu đàn, chăm chút việc học hành, bảo ban nghiêm khắc.

Có lẽ vì thế mà NSND Trung Kiên luôn khâm phục và biết ơn người vợ đã chịu thiệt thòi khi đến với mình. Có lẽ sự biết ơn ấy sẽ được ông mang theo cùng với tình yêu dành cho người ở lại khi rời thế gian.

GIa Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/2-tinh-yeu-lon-trong-cuoc-doi-nsnd-trung-kien-ar592854.html