2 tuần sau khỏi COVID-19, bé trai 9 tuổi bất ngờ tràn dịch màng phổi

Sau 2 tuần khỏi COVID-19, bé trai 9 tuổi sốt nhẹ, tức ngực, khó thở dù thời gian dương tính trôi qua nhẹ nhàng. Bác sĩ phát hiện bé có dấu hiệu tràn dịch khoang màng phổi trái gây xẹp phổi.

Cậu bé ở phường Bình Minh, TP Lào Cai được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cấp cứu. Qua thăm khám, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện người bệnh có dấu hiệu tràn dịch khoang màng phổi trái gây xẹp phổi.

Theo lời kể từ gia đình, thời điểm nhiễm COVID-19, bé chỉ sốt, ho nhẹ kéo dài 1 tuần. Trước 1 tuần nhập viện cấp cứu, bé cảm thấy tức ngực và khó thở với tần suất ngày càng tăng.

Sau hội chẩn liên khoa, kíp bác sĩ quyết định phẫu thuật mở màng phổi tối thiểu, dẫn lưu dịch và điều trị hậu phẫu. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, bớt khó thở, chỉ số SpO2 được cải thiện.

Hiện tại bệnh nhân đã ổn định, bớt khó thở, chỉ số Sp02 đã được cải thiện. Ảnh: BVCC

Hiện tại bệnh nhân đã ổn định, bớt khó thở, chỉ số Sp02 đã được cải thiện. Ảnh: BVCC

Theo BSCKI Lê Quyết Thắng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, tổn thương phổi sau nhiễm COVID-19 là di chứng thường gặp đối với các F0.

Có nhiều mức độ tổn thương khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng chức năng hô hấp. Riêng tình trạng phổi nhiễm trùng hoại tử, tạo ra nhiều ổ áp xe bên trong khoang ngực đã có ghi nhận trong các báo cáo về COVID-19 trên thế giới.

Để bảo vệ lá phổi hậu COVID-19, tránh trường hợp diễn tiến âm thầm có thể trở nặng, gây suy hô hấp; những bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 có triệu chứng khó thở, đặc biệt khó thở kèm dấu hiệu tức ngực cần đến các cơ sở y tế khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe.

Những người có nguy cơ chịu tổn thương sau nhiễm COVID-19 là nhóm F0 viêm phổi nặng, nguy kịch phải can thiệp như thở máy, ECMO; người lớn tuổi, có bệnh nền thì cần đi khám sớm.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội - hội chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở.

Vấn đề là mức độ ảnh hưởng ra sao và làm sao để phát hiện ra được những ảnh hưởng này?

Theo lời khuyên của BS Thúy, bố mẹ phải quan sát xem trẻ có mệt không? Trẻ leo cầu thang có mệt hay hụt hơi hay không hoặc trẻ ít chạy nhảy, thở hổn hển? Không đợi đến khi trẻ tiến triển nặng, khó thở rồi mới đi khám.

Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường kể trên, bác sĩ sẽ chỉ định chụp tim phổi, đo chức năng hô hấp đối với trường hợp có nguy cơ. Tuy nhiên, việc đo chức năng hô hấp chỉ thực hiện được với trẻ từ 6 tuổi trở lên, vì các bé này mới có sự phối hợp với nhân viên y tế. Còn trẻ nhỏ chỉ chụp đơn thuần, nếu có bất thường có thể chụp CT để xác định tổn thương ở mức độ nào.

Những trẻ có tổn thương phổi thực sự sẽ có những xử trí khác nhau tùy theo mức độ nặng - nhẹ. Trẻ lớn trên 12 tuổi có thể được tập những bài tập như người lớn; trẻ nhỏ tập phục hồi chức năng nhẹ nhàng như thổi bóng, tập tăng dần cường độ...

Trẻ cần tiếp tục vệ sinh mũi họng hàng ngày, khuyến khích trẻ đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng để thích nghi dần vì thường hậu COVID-19 ở trẻ không nặng - chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo.

Võ Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-gia-chi-me-cach-quan-sat-con-de-tranh-dien-bien-nang-do-hau-covid-169220324201533831.htm