Thấy gì từ các trò đùa tục tĩu trong nhóm kín có nhiều sao Việt
Những trò đùa về tình dục, giới tính không chỉ đơn giản là câu chuyện cười cợt nhả bởi chúng thường phản ánh và có khả năng thúc đẩy thái độ, hành vi có vấn đề.
Một nhóm riêng tư trên Facebook gồm nhiều nghệ sĩ Việt đang trở thành chủ đề bán tán khắp mạng xã hội. Nhóm được cho xuất hiện vào năm 2020, do tài khoản Dang Thanh An (được cho là Negav, nhưng rapper này chưa lên tiếng) thành lập.
Các thành viên - có cả một số nghệ sĩ - thường xuyên đăng bài, bàn luận về những trò đùa nhạy cảm, tục tĩu chủ yếu liên quan đến tình dục, giới tính. Đa số khán giả đều đang chỉ trích nội dung trong group là lệch lạc, có xu hướng thúc đẩy phân biệt giới.
Trước sự lên án, đa số nghệ sĩ được nhắc tên vẫn im lặng, trong khi một số đã bắt đầu lên tiếng giải thích. Ca sĩ Orange cho biết: "Mình ban đầu thấy group nhiều nghệ sĩ nhưng không hiểu về nội dung gì nên đăng hỏi, sau đó mình đã out group và không làm thành viên của group đó bao giờ cả".
Còn Lena cho biết cô đã đăng một ảnh "là cái joke (câu nói đùa) mà giờ tôi cũng thấy xàm thật". "Tôi xin lỗi nếu bài đăng này làm mọi người nhìn nhận không hay về tôi, nhưng thực sự tôi chưa làm gì suy đồi đạo đức tới vậy. Mong mọi người hiểu", cô nói thêm.
Ca sĩ Saabirose giải thích "được mọi người add vào hội và không hề biết đây là dark joke". "Vì thấy có các anh chị nghệ sĩ khác trong hội nên mình đồng ý vào hội. Thời điểm đó mình chưa đủ 18 tuổi nên chưa hiểu được vấn đề nghiêm trọng của những cái joke đấy và nghĩ đơn giản về tên của hội là một cái tên đặt ra chỉ cho vui. Mong mọi người hiểu và thông cảm cho bé Saa 17 tuổi năm đó", cô viết trên trang cá nhân.
Thực tế, những trò đùa tục tĩu trong nhóm 3.000 thành viên này đôi lúc vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày - các nhóm mạng xã hội, nơi làm việc, trên phim ảnh truyền hình... Theo thời gian, loại đùa cợt này mang nhiều tiếng xấu hơn, đưa đến sự khó chịu thay vì tiếng cười.
Theo các nghiên cứu, trò đùa tục tĩu thể hiện rất nhiều về trạng thái, quan điểm của người nói, người hưởng ứng. Và cách mọi người phản ứng trước kiểu trêu chọc như vậy cũng bọc lộ những khía cạnh tâm lý xã hội.
Trò đùa nguy hại
Một cuộc thăm dò vào cuối năm 2017 của The New York Times đối với những người đàn ông đi làm cho thấy gần 1/5 thừa nhận "kể những câu chuyện hoặc trò đùa về tình dục mà một số người có thể coi là xúc phạm".
Theo nghiên cứu "Ambivalent sexism and the dumb blonde: Men's and women's reactions to sexist jokes" (tạm dịch: Chủ nghĩa phân biệt giới tính mơ hồ và hình tượng tóc vàng hoe ngu ngốc: Phản ứng của đàn ông và phụ nữ trước những câu chuyện cười phân biệt giới tính) được đăng trên Psychology of Women, việc kể và/hoặc đánh giá cao những câu chuyện cười phân biệt giới tính hoặc tình dục có thể "phản ánh một tập hợp rộng hơn các thái độ và hành vi có vấn đề khác". Việc thích thú với sự hài hước phân biệt giới tính đã được phát hiện có mối tương quan với các thái độ phân biệt giới tính.
Còn theo nghiên cứu "The enjoyment of sexist humor, rape attitudes, and relationship agression in college students" (tạm dịch: Niềm yêu thích với trò đùa phân biệt giới tính, thái độ cưỡng hiếp và hành vi gây hấn trong mối quan hệ ở sinh viên đại học) được trích dẫn trên Psychology Today, trò đùa phân biệt giới tính không bao giờ "chỉ là một câu chuyện cười". "Có lẽ đáng lo ngại và đáng ngạc nhiên hơn là việc đánh giá cao sự hài hước phân biệt giới tính cũng liên quan đến việc tăng cường chứng thực cho 'huyền thoại hiếp dâm' (quan niệm rằng phụ nữ thầm muốn hoặc đáng bị cưỡng bức quan hệ tình dục), khả năng bị cưỡng hiếp và với hành vi lạm dụng tình dục được báo cáo trong các mối quan hệ hẹn hò", nghiên cứu viết.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với những câu chuyện cười phân biệt giới tính/tình dục có thể kích hoạt hoặc thúc đẩy hành vi có vấn đề.
Còn báo cáo "Social consequences of disparagement humor: A prejudiced norm theory" (tạm dịch: Hậu quả xã hội của sự hài hước chê bai: Một lý thuyết chuẩn mực có định kiến) (năm 2004) của hai nhà nghiên cứu Ford và Ferguson trên Personality and Social Psychology Review cho rằng những câu chuyện cười đóng vai trò là sự cho phép ngầm để thể hiện những thái độ có vấn đề hiện hữu. Nói cách khác, những câu chuyện cười phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, chống béo phì... có thể vừa phản ánh vừa tác động đến thái độ, hành vi phản xã hội.
Áp lực buộc phải hùa theo
Chuẩn mực xã hội khuyến khích con người lên tiếng bất cứ khi nào chúng ta nghe được điều gì đó không phù hợp. Tuy nhiên, việc này thường không đúng với những trò đùa thô tục gây khó chịu. Câu chuyện group kín có 3.000 thành viên gồm nhiều nghệ sĩ Việt gây bàn tán sau 4 năm hoạt động có thể phần nào cho thấy điều đó.
Đầu tiên, sự hài hước gợi ý con người áp dụng tư duy không chỉ trích và cảnh báo chúng ta rằng không được nghiêm trọng hóa câu chuyện cười hoặc người kể chuyện cười. Nghiên cứu có tên "What did he mean by that? humor decreases attributions of sexism and confrontation of sexist jokes" (tạm dịch: Anh ta có ý gì? Hài hước làm giảm sự quy kết của chủ nghĩa phân biệt giới và sự đụng độ của những trò đùa phân biệt giới) vào năm 2016 cho thấy rằng so với những tuyên bố phân biệt giới tính rõ ràng, phụ nữ nhận được một câu chuyện cười phân biệt giới tính từ một người đàn ông qua tin nhắn tức thời ít muốn đối chất và khoan dung hơn với trò đùa. Nói cách khác, cái mác "trò đùa" đã khiến mọi người mất đi sự nhạy cảm trước bản chất có vấn đề của nội dung.
"Nếu đối mặt với một người kể chuyện cười, chúng ta có nguy cơ bị xấu hổ nếu từ chối tham gia, bị cho là quá nhạy cảm nếu phản ứng lại", nghiên cứu chỉ ra.
Vì sự hài hước cũng đóng vai trò là phương thức gắn kết nhóm, nên mọi người có thể cảm thấy áp lực buộc phải tham gia vào các trò đùa trong nhóm. "Đánh giá cao việc coi thường phụ nữ cũng có thể xuất phát từ mong muốn khẳng định sự nam tính", nghiên cứu "Restoring threatened masculinity: The appeal of sexist and anti-gay humor" (tạm dịch: Khôi phục sự nam tính bị đe dọa: Sức hấp dẫn của trò đùa phân biệt giới và chống đồng tính). (năm 2017) được Psychology Today trích dẫn chỉ ra.
Lên tiếng phản đối ngay cả những hành vi không phù hợp ở mức độ nhẹ cũng có thể gây ra sự lo lắng bị cô lập xã hội hoặc chế giễu. Nhưng lựa chọn im lặng, phớt lờ của người tiếp nhận sẽ gửi phản hồi sai lệch đến người nói rằng trò đùa được chấp nhận.
Dù im lặng hay lên tiếng, chúng ta chắc chắn phải nhận ra một cách rõ ràng rằng những trò đùa phân biệt giới tính và tình dục có thể tạo ra cánh cổng dẫn đến quấy rối, tấn công tình dục trong thực tế. Mọi người có thể cảm thấy tự hào khi bản thân hiểu được rằng trò đùa đôi lúc không chỉ đơn giản là chuyện gây cười. Và khi niềm tự hào đủ lớn, các cá nhân sẽ có thể lên tiếng, phản ứng một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn để thay đổi nhận thức của những người còn lại.