20 năm dấu ấn doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam
Nhà sáng lập KOTO đang tham vọng xây dựng trường học, khu ký túc xá cũng như một chương trình đào tạo nâng cao nhằm hỗ trợ cựu học viên thực hiện ước mơ phát triển sự nghiệp theo mảng nhà hàng khách sạn.
Anh Lê Văn Triệu, học viên tốt nghiệp khóa 6 của KOTO - một doanh nghiệp xã hội chuyên cung cấp các khóa đào tạo được cấp chứng chỉ nghề quốc tế của Úc cho trẻ em cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, là trẻ mồ côi vùng đồng bằng sông Hồng nghèo khó thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Anh không mong muốn gì hơn là tìm được một công việc ổn định ở thủ đô Hà Nội để nuôi sống gia đình. Mười năm trôi qua, hiện anh đang sinh sống tại Úc và quản lý một khách sạn ở thị trấn ven sông vùng Echuca.
Không chỉ anh Triệu, 900 cựu học viên khác của KOTO cũng đã là nhân viên ở nhiều cấp bậc khác nhau trong các nhà hàng, khách sạn. Có hơn 40 cựu học viên hiện đang điều hành công ty riêng, nhiều người trong số đó còn tiếp nhận thực tập viên và tuyển dụng các học viên KOTO. Ngoài ra, nhiều cựu học viên hiện tại đang làm việc ở các quốc gia trên thế giới như Úc, Đức, New Zealand và Singapore.
Ông Jimmy Phạm, nhà sáng lập KOTO tự tin trong vòng 1 năm, 5 năm và thậm chí là 10 năm tới, KOTO sẽ có thể tiếp tục duy trì tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Vào thời điểm vẫn còn là hướng dẫn viên du lịch, ông Jimmy thường đưa du khách Úc thăm quê hương Việt Nam. Đó cũng là lúc ông có dịp tiếp xúc với những trẻ em cơ nhỡ ở Hà Nội.
“Những đứa trẻ ấy nhìn tôi và nói: Chúng em muốn có cái nghề trong tay để có thể kiếm được công việc ổn định”, ông Jimmy hồi tưởng. “Tôi lúc đó chưa biết sẽ làm gì, nhưng tôi biết nhất định mình cần hành động”.
Từ cuộc nói chuyện đó, ông quyết định mở cửa hàng bán sandwich gần Văn Miếu (Hà Nội) và tổ chức ‘khóa học KOTO đầu tiên’ cho 9 trẻ em đường phố và 2 tình nguyện viên vào năm 1999. KOTO được viết tắt từ cụm Know One Teach One (biết ai, dạy người đó).
Cho đến nay, KOTO đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội và đã phục vụ hơn 1 triệu thực khách từ khắp nơi trên thế giới. Với 110 nhân viên bao gồm 50 nhân viên là cựu học viên KOTO, doanh nghiệp này hiện đang cung cấp các khóa đào tạo được cấp chứng chỉ nghề quốc tế của Úc cho gần 150 trẻ em cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm.
Cùng với nỗ lực phấn đấu vì tương lai của ngành nhà hàng khách sạn Việt Nam, ông Jimmy Phạm cho biết đã lập ra một danh mục những việc phải làm đầy tham vọng nhằm đẩy mạnh phát triển KOTO trong tương lai.
Đặc biệt, nhà sáng lập KOTO tham vọng sở hữu một khu đất để xây dựng trường học và khu ký túc xá cũng như một chương trình đào tạo nâng cao nhằm có thể hỗ trợ các cựu học viên thực hiện ước mơ phát triển sự nghiệp theo mảng nhà hàng khách sạn.
Đó có lẽ không chỉ là ước mơ của ông Jimmy, của nhân viên KOTO mà còn là khát vọng của gần 1.000 học viên, bao gồm 86 học viên sẽ tốt nghiệp vào ngày 15/6 tới đây đúng với dịp kỷ niệm và đánh dấu mốc 20 năm thành lập KOTO.
86 học viên này được trao chứng chỉ nghề quốc tế thuộc các lãnh vực phục vụ và pha chế, chuyên ngành đầu bếp, cùng với các kinh nghiệm làm việc thực tiễn tại nhà hàng đào tạo KOTO cũng như các nhà hàng nổi tiếng Việt Nam.
Cũng trong dịp đặc biệt này, một chuỗi sự kiện cũng sẽ được tổ chức như các hội thảo phát triển nghề nghiệp dành cho cựu học viên KOTO, hội thảo Công dân tiêu biểu dành cho cựu học viên và nhân viên, trận bóng giao hữu, tiệc chiêu đãi tại nhà riêng của Ngài Đại sứ Úc và tiệc tối 'chào mừng trở về nhà' dành cho cựu học viên KOTO…