Đừng lãng phí từ việc nhỏ nhất

Văn hóa chống lãng phí không chỉ đơn giản là việc tiết kiệm nguồn lực mà còn là hệ thống giá trị, thái độ, hành vi và lối sống được xây dựng trên nền tảng ý thức trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên. Nó bao gồm việc ngăn chặn các hành vi lãng phí trong mọi lĩnh vực, từ tài sản công, tài nguyên thiên nhiên cho đến tài chính và nhân lực.

Lãng phí xảy ra mọi nơi, mọi lĩnh vực

Hình ảnh những chiếc xe phun nước rửa đường giữa trời mưa tại Hà Nội đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tuy những chiếc xe đang thực hiện nhiệm vụ mà đơn vị được giao, nhưng giữa lúc trời mưa mà những người công nhân vẫn phải rửa đường! Sự cần thiết lúc này có thể hiểu như một sự lãng phí.

Dễ nhận thấy nước ta chưa giàu. Đến cuối năm 2023, cả nước còn khoảng 815.000 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nhưng sự lãng phí thực phẩm của người Việt rất đáng báo động. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ hai về lãng phí thực phẩm, tương đương 3,9 tỷ USD/năm.

Để dễ hình dung hơn, sự lãng phí thực phẩm của nước ta còn cao hơn cả nguồn thu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn cộng lại trong năm 2022 là 3,71 tỷ USD. Nói cách khác, 4 tỉnh nghèo nhất Việt Nam làm quần quật quanh năm mới có nguồn thu gần bằng sự... lãng phí thực phẩm của cả nước.

Việt Nam không đứng ngoài trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Năm 2018, Kế hoạch hành động quốc gia về "Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025" đã được thông qua. Một trong những mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 lương thực không bị thất thoát, lãng phí.

Hiện nay, mục tiêu hướng tới của nhiều gia đình là rèn luyện cho con cái mình thói quen tiết kiệm từ nhỏ, xây dựng được phương án chi tiêu thông minh giúp trẻ học cách suy nghĩ cẩn thận, biết trân trọng giá trị đồng tiền và sức lao động. Từ đó hình thành thái độ nghiêm túc, trách nhiệm đối với các hành động của mình, cũng như góp phần xây dựng tính cách tự lập trong tương lai.

Và việc hình thành thói quen cho trẻ không phải chỉ ngày một ngày hai mà cần một quá trình trau dồi, giáo dục của phụ huynh và nhà trường. Hình thành thói quen tiết kiệm cho con trẻ cũng là góp phần chống lãng phí từ ngay mỗi tế bào gia đình trong xã hội.

Rèn luyện nếp sống chống lãng phí từ gia đình

Giống như nhiều gia đình khác, sau bữa cơm tối, chị Trần Bích Vân (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm) thường dành thời gian cho con trai. Tuy còn nhỏ, nhưng bé Bắp đã được mẹ xây dựng thói quen tiết kiệm từ những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Chị Bích Vân chia sẻ: "Mình luôn dạy con phải biết cách tiết kiệm. Khi tắm hay rửa bát xong phải tắt nước. Mình mong muốn con biết cách bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ thông qua việc tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất".

Mô hình "cứu trợ thực phẩm", Hanoi food recuse - HFR được thành lập năm 2012 do một nhóm học sinh của Trường chuyên Amtesrdam Hà Nội tổ chức. Hơn 10 năm qua, HFR đã mang những suất ăn miễn phí phân phát cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và những người nghèo ở Hà Nội. Thực phẩm mà tổ chức HFR thu gom đều là những thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn chất lượng, được lấy nguồn từ những căng tin, nhà hàng, khách sạn uy tín.

Giờ kết thúc buffet, đồ ăn chưa sử dụng hết của các nhà hàng vẫn còn nhiều. Đó cũng là lúc các thành viên của HFR có mặt để "giải cứu đồ ăn". Đều đặn 5 buổi chiều trong tuần từ thứ 2 tới thứ 6, bánh mỳ, thịt nguội, cơm cuộn, thịt hầm… là những món được các thành viên lựa chọn đóng hộp đem đến tặng bệnh nhân trong một số bệnh viện và những người có hoàn cảnh khó khăn, tại Bệnh viện Giao thông vận tải, Trung tâm dạy nghề, Bệnh viện Thanh Nhàn, xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương…

Văn hóa chống lãng phí phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, hình thành trong gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp rồi lan tỏa ra toàn xã hội. Tiết kiệm là một thói quen nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn. Thông qua việc dạy trẻ tiết kiệm giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp, có trách nhiệm và ý thức được tầm quan trọng của việc tránh lãng phí từ những điều nhỏ nhất.

Giáo dục ý thức chống lãng phí trong nhà trường

Không chỉ ở các gia đình, mà ngay cả các trường học từ bậc mầm non cũng đang chú trọng giáo dục lối sống văn minh, tiết kiệm cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Cô giáo Nguyễn Phương Thảo, Trường mầm non Bình Minh, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: "Bình thường các cô sẽ xen các câu chuyện, những video, hình ảnh về sử dụng tiết kiệm điện và nước để giáo dục các con, các cô sẽ cho trẻ hoạt động nhóm và đưa ra những giải pháp, biện pháp để có thể tiết kiệm điện nước".

Từ những hình thức lồng ghép vào những môn học trong nhà trường, tiết kiệm đã dần trở thành một thới quen tốt, đi vào trong tiềm thức và hành động hằng ngày của trẻ nhỏ. Tận dụng, tái chế rác thải như nhựa, bìa carton thành đồ chơi và những chiếc hộp đựng bút xinh xắn là một trong những hành động tiết kiệm thiết thực mà các bạn nhỏ đang được giáo dục hàng ngày. Các lớp học sáng tạo từ những vật dụng có thể tái chế được nhiều trường học đưa vào trong chương trình giáo dục.

Cô giáo Thùy Tiên - Trường Mầm Non Hami, quận Tây Hồ, cho biết: "Các cô muốn lan tỏa rằng việc học sẽ không dừng lại ở trường lớp mà muốn các bạn có ý thức nhỏ nhất như biết sử dụng vật liệu đó để tạo thành các đồ vật có hữu ích, công cụ học tập cho chính mình".

Tiết kiệm là một thói quen nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn. Thông qua việc dạy trẻ tiết kiệm, chúng ta không chỉ giúp thế hệ mầm non hiểu được giá trị của tiền bạc mà còn giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp, có trách nhiệm và ý thức được tầm quan trọng của việc tránh lãng phí từ những điều nhỏ nhất.

Mô hình Một cửa văn minh, tiết kiệm

Trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước càng phải đề cao nguyên tắc tiết kiệm, bởi đó là lĩnh vực sử dụng ngân sách công, phục vụ đông đảo khách hàng là nhân dân. Với các cơ quan công sở Nhà nước, thực hành tiết kiệm chính là góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung chủ yếu trong Chương trình số 10 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025". Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bà Đặng Diễm Lệ (phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) đi công chứng các giấy tờ thủ tục cần thiết cho gia đình. Bà khá bất ngờ khi được hướng dẫn chỉ phải ngồi chờ khoảng 15 đến 20 phút sau khi nộp hồ sơ là sẽ có kết quả. Bà không mất công đi lại thêm một lần nữa. Trước đây, việc như thế này phải ngày hôm sau mới có kết quả.

Bộ phận một cửa của phường Thanh Xuân Trung đã có bước cải thiện đáng kể trong thủ tục hành chính. Mô hình "Giải quyết thủ tục hành chính không chờ" được nhân dân hoan nghênh. Mô hình này hướng tới chính quyền điện tử mang lợi lợi ích kép, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức phường, vừa giảm giấy tờ in ấn, giảm đầu việc cho cán bộ và quan trọng nhất là mang lại nhiều lợi ích cho công dân: đó là tiết kiệm thời gian, công sức đi lại.

Một mô hình nữa mà bộ phận một cửa của các quận và phường ở Hà Nội đang thực hiện, đó là "Biên lai điện tử" và mô hình "Thanh toán không dùng tiền mặt" mang lại nhiều lợi ích cho cả UBND phường lẫn người dân, doanh nghiệp. Việc thanh toán và giao dịch điện tử đã giảm tối đa thất thoát, giảm 50% thời gian thao tác, quản lý sổ sách, công sức đi lại của người dân.

Hà Nội hiện đang tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm hiệu quả.

Mai Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dung-lang-phi-tu-viec-nho-nhat-278702.htm