20 năm đau đáu với nghệ thuật hát xẩm

Sau 20 năm gắn bó với nghệ thuật hát xẩm, lần đầu tiên nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa ra mắt album 'Xẩm Mai Tuyết Hoa-vol 1'.

Trong buổi ra mắt album tại Hà Nội vừa qua, NSND Xuân Hoạch đã không khỏi xúc động khi cho rằng, dòng nhạc dân tộc ngày càng bị “ngó lơ” thì tình yêu với hát xẩm vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sinh năm 1976 trong gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng Mai Tuyết Hoa sớm bén duyên với cây đàn nhị nhờ sự động viên, định hướng từ người cha yêu thích nhạc cụ dân tộc. Lên 8 tuổi, Mai Tuyết Hoa được cha xin cho học tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội, lớp đàn nhị. Kể từ đó, chiếc đàn nhị gắn bó và theo Mai Tuyết Hoa đến tận bây giờ. Khi sắp tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), chị được mời sang Viện Nghiên cứu âm nhạc cộng tác với vai trò nhận các băng đĩa về tách lời, ký âm, ghi âm các tư liệu âm nhạc có sẵn. Chính trong môi trường làm việc đó, Mai Tuyết Hoa đã tình cờ bắt gặp đĩa hát của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Cơ duyên đó như chìa khóa mở ra chặng đường mới, chân trời mới của Mai Tuyết Hoa với nghệ thuật hát xẩm.

 Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (ngồi giữa) biểu diễn hát xẩm trong buổi ra mắt album.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (ngồi giữa) biểu diễn hát xẩm trong buổi ra mắt album.

Cũng giai đoạn này, Mai Tuyết Hoa được các nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty và nhạc sĩ Thao Giang khuyến khích theo học hát xẩm với chia sẻ đầy tâm huyết của họ, rằng nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc này đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Bên cạnh học các nghệ nhân qua băng thu âm, Mai Tuyết Hoa dành nhiều thời gian về Ninh Bình học hát xẩm với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đến giờ, Mai Tuyết Hoa vẫn nhớ những lần bắt xe khách xuống nhà “bu Cầu”-tên gọi thân thương mà nghệ nhân Hà Thị Cầu dành cho cô con nuôi, và cũng là truyền nhân duy nhất cho đến ngày bà nhắm mắt xuôi tay. Về với “bu Cầu”, Mai Tuyết Hoa chứng kiến một tài năng, một báu vật sống của nghệ thuật hát xẩm. Tài năng là thế, nhưng bà Cầu cô đơn trong không gian sống, hàng ngày lại nhấc cây đàn nhị nhấn nhá, rung rinh cất giọng đặc trưng có một không hai của làn điệu xẩm. Hình ảnh đó về “bu Cầu” cứ ám ảnh, hằn sâu trong tâm hồn Mai Tuyết Hoa khiến chị nuôi nhiều giấc mơ với hát xẩm.

Năm 2005, Mai Tuyết Hoa cùng cố GS Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Quang Long, NSƯT Thanh Ngoan… thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và trải chiếu xẩm vào tối thứ bảy hàng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để hát xẩm. Từ năm 2009 đến nay, Mai Tuyết Hoa cùng với nhạc sĩ Quang Long, nghệ sĩ Khương Cường thành lập Nhóm Xẩm Hà Thành, lúc biểu diễn trên phố cổ những tối cuối tuần, có khi làm hẳn live show diễn trong Nhà hát Lớn Hà Nội… Họ biểu diễn vì niềm đam mê tha thiết, vì trách nhiệm với nghệ thuật hát xẩm. Với những nghệ sĩ, chỉ cần có khán giả đến xem là họ như thêm trải lòng, rút ruột say sưa, ngân nga tiếng hát.

Nhắc đến Mai Tuyết Hoa, người nghe nhớ đến “Giăng sáng vườn chè”, “Xẩm tàu điện”, “Nghĩa mẹ sinh thành”,… Mỗi tác phẩm là một sự dày công nghiên cứu, tìm hiểu để gìn giữ nghệ thuật xẩm, đồng thời lưu giữ những tài liệu quý báu về bộ môn nghệ thuật có một không hai này đối với thế hệ sau. Chị chia sẻ: “Đến giờ, nếu nói vì một công việc tốt hơn hay vì một đam mê khác mà tôi từ bỏ xẩm thì không bao giờ. Xẩm là một phần cuộc sống của tôi”. Mặc dù công việc biên tập viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam khá bận rộn, song tình yêu, niềm đam mê với xẩm chưa bao giờ nguôi trong con người nghệ sĩ. Album “Xẩm Mai Tuyết Hoa-vol 1” với 8 bài xẩm từ cổ truyền cho tới những tác phẩm được Mai Tuyết Hoa và các nhạc sĩ sáng tác mới, thể hiện một hành trình đam mê, cống hiến không biết mệt mỏi của Mai Tuyết Hoa và những đồng nghiệp tâm huyết của mình.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/20-nam-dau-dau-voi-nghe-thuat-hat-xam-582084