20 năm đòi minh oan sau khi nghe tin cán bộ xã hủ hóa với chị dâu

Nghe tin cán bộ xã quan hệ bất chính với chị dâu, vị cựu chiến binh vội vàng báo cáo với Bí thư Đảng bộ. Nào ngờ, ông bị quy kết tung tin thất thiệt, 20 năm nay vẫn mòn mỏi đấu tranh đòi minh oan.

Ông Mô kiên trì kêu oan suốt 20 năm qua

Ông Mô kiên trì kêu oan suốt 20 năm qua

“Oan án” “tung tin thất thiệt”?

Ông Bùi Văn Mô (82 tuổi, ngụ xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là thương binh 1/4, thương tật 81%, nạn nhân chất độc da cam, cựu tù Hỏa Lò. Ông đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và được kết nạp Đảng từ năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị.

Sau khi xuất ngũ, ông Mô về địa phương sinh hoạt và làm bí thư chi bộ thôn gần 20 năm, cho đến khi bị kỷ luật vào năm 1999.

Chia sẻ với PLVN, ông kể mình bị khai trừ khỏi Đảng “chỉ với một lý do” như sau: Thời điểm đó ông đang là bí thư thôn kiêm ủy viên ban chấp hành (BCH) Hội cựu chiến binh xã. Ông nghe một Đảng viên cùng chi bộ “tiết lộ” về một cán bộ xã quan hệ bất chính, hủ hóa với chị dâu.

Vốn là người nghiêm túc, trực tính, ông Mô bất bình đã đến gặp ngay bí thư Đảng bộ báo cáo sự việc, đề nghị xem xét có thật hay không. Không ngờ, sau đó ông lại bị kết luận là “tung tin thất thiệt”, yêu cầu kiểm điểm.

Ông nói: “Họ vu cho tôi tội tung tin thất thiệt. Tôi có nói với ai đâu? Tôi chỉ báo cáo bí thư, sao lại bảo tôi tung tin”? Chính vì quan điểm như vậy, ông Mô chỉ làm tường trình cho rằng mình không có khuyết điểm gì, thậm chí cho rằng việc ông báo cáo tổ chức như trên là có trách nhiệm.

Ông lão kể, với lý do không chấp hành yêu cầu của tổ chức, chỉ trong vòng 21 ngày từ khi xảy ra sự việc, ông bị khai trừ khỏi Đảng. Ông thấy “quá ngang trái” nên khiếu nại lên cấp trên, nhưng vẫn bị “y án”.

Theo ông, cũng chỉ việc trên mà sau đó mấy ngày, ông cũng bị khai trừ khỏi Hội cựu chiến binh xã nơi ông đang là ủy viên BCH, cùng với lý do báo cáo không đúng sự thật. Gần 20 năm trôi qua, ông vẫn cho rằng đây là cách xử lý “té nước theo mưa” khiến ông không phục.

Ông kể, trước khi họp BCH Hội cựu chiến binh xã, ông đã báo cáo mình phải đi cưới cháu ở Lai Châu 20 ngày nên không dự được. Sau khi về, ông bất ngờ nghe tin mình đã bị khai trừ khỏi Hội, nhưng không nhận được quyết định. Khi ông hỏi mới nhận được một bản photo.

Ông Mô cho rằng việc Hội cựu chiến binh xã khai trừ ông là không đúng quy trình, vì ông là ủy viên BCH mà không được họp bàn. Và việc Hội nói đã cử người đến gặp ông để “phân tích đúng sai, yêu cầu làm kiểm điểm” là bịa đặt, vì ông đi Lai Châu và vắng mặt trong các kỳ họp.

Chính vì vậy, từ năm 1999 đến nay đã gần 20 năm, ông Mô không ngừng kêu oan về việc bị “khai trừ khỏi đảng, khai trừ khỏi hộ cựu chiến binh”.

Ông cho rằng, nguyên nhân thực sự khiến mình bị xử lý như trên là do bị trù dập khi đấu tranh tham nhũng, khiếu nại tiêu cực. Ông Mô sau đó đã không ngừng gửi đơn đến các cấp để kêu oan nhưng vẫn nhận kết luận không thay đổi.

Đến nay gần 20 năm, ông vẫn kiên trì theo đuổi và mong đến một ngày “sự thật được sáng tỏ”, ông được khôi phục danh dự.

Lão nông thẳng tính

Trong suốt thời gian dài đó, ông Mô vừa làm ruộng, vừa tích cực đấu tranh chống tiêu cực tại địa phương. Hỏi “có lúc nào nản lòng không”, ông đáp ngay tắp lự: “Không!”.

Ông nói mình bị oan, và có đấu tranh chống tiêu cực cũng vì cái chung, không phải vì cá nhân. Ông cũng khoe được nhiều người dân khen dũng cảm, kiên trì bám sát, già nhưng vẫn “chiến đấu” tốt.

Mới đây, ông Mô cùng một cụ ông cùng địa phương đã lập công lớn khi tố cáo đúng về đường dây làm hồ sơ giả, khai khống để hưởng sai chế độ của Nhà nước cho những người từng tham gia chiến đấu. “Người dân nói ông Mô nay đã “trăm bó đuối vớ được con ếch”. Đấu tranh mãi nay cũng có kết quả”, ông vui vẻ khoe.

Đây là “chiến tích” đầu tiên của ông trong hai chục năm miệt mài đấu tranh chống tiêu cực với cả chục vụ việc. Thắng lợi này càng tiếp thêm sức mạnh cho cụ ông trong hành trình “kêu oan” cho riêng mình.

Ông nói: “Tôi rất thẳng tính, họp không ưng là tôi nói ngay. Tôi xuất ngũ về làm ruộng, có chế độ thương binh, chất độc da cam, làm bí thư chi bộ. Nhưng đấu tranh hăng quá nên bị trù dập”.

Ông tâm sự gia đình ông là gia đình đặc biệt. Ông và một người con trai đều là thương binh ¼, hàng tháng được hưởng chế độ thương binh, chế độ nạn nhân chất độc da cam và người thân có thêm chế độ phục vụ. “Không có như thế, làm sao tôi theo đuổi kêu oan được?”, ông giãi bày.

Ông cũng khẳng định quyết tâm “theo đuổi đến cùng”, đấu tranh cho “ra ngô ra khoai”, bất chấp mọi người can ngăn hay nhiều người thương hại, nói ông già rồi còn lao tâm khổ tứ, vất vả đơn từ làm gì.

Được biết, hiện chính quyền địa phương đã động viên kết nạp lại ông vào Hội cựu chiến binh. Nhưng ông lão có lý lẽ riêng: “Tôi có tội gì đâu mà kết nạp lại? Có khôi phục, trả lại cho tôi thì được”.

Ông Vũ Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã:

Ông Mô là thương binh nặng 1/4, rất tích cực trong đấu tranh chống tiêu cực. Trong năm 2016, ông Mô cùng ông Thống (người địa phương) đã kiện đúng về việc làm giả hồ sơ, hưởng sai chế độ theo Quyết định 142 và Quyết định 62 của Chính phủ (về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương).

Sự việc đã được Thanh tra Quốc phòng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định kết luận 11 người không đi bộ đội mà được hưởng chế độ trên, 11 đối tượng kê khai sai địa bàn và tăng thời gian thực hiện so với thực tế. Lãnh đạo xã Trực Đạo cũng ghi nhận công lao của ông Mô trong hai cuộc kháng chiến và tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của ông .

Ông Vũ Xuân Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Trực Đạo:

Ông Vượng cho biết mình mới nhận nhiệm vụ được hơn một năm nên không nắm rõ được sự việc của thời kỳ trước, chỉ biết ông Mô vẫn phản ánh thường xuyên về sự việc. Ông Vượng cho rằng sự việc của ông Mô có thể chỉ bắt nguồn từ phát ngôn, nhưng sau đó ông vi phạm “sâu” hơn là không tuân thủ các yêu cầu của tổ chức, không nhận sai, nên mới bị kỷ luật.

P.V

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hoi-am-don-thu/bao-cao-tin-can-bo-xa-hu-hoa-voi-chi-dau-cuu-chien-binh-bi-khai-tru-khoi-dang-300488.html