20 năm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân nhìn từ Hòa Vang
20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) trên địa bàn Hòa Vang luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, từng bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Ngày hội đã tạo nên những điểm nhấn, theo những sắc thái riêng ở mỗi khu dân cư, vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong học tập, công tác, lao động sản xuất; các phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp; khơi dậy và lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”…
Không chỉ gắn kết tính cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống từng vùng miền, ngày hội còn góp phần phát huy vai trò tự quản của từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của từng địa phương như phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các mô hình tự quản về an ninh trật tự, môi trường, phòng cháy chữa cháy, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp…
Nhờ đó, nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ, việc xây dựng nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Tiêu biểu là thông qua phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, tổng nguồn lực huy động từ năm 2010-2022 là hơn 4.600 tỷ đồng; trong đó vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 356.000m2 đất và hơn 82.000 công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn, đóng góp nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, đặc biệt tích cực tham gia các mô hình sản xuất, xây dựng làng quê kiểu mẫu với tổng giá trị hơn 765 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 19 thôn đạt chuẩn “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”, 5 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”.
Cùng với đó, vai trò tự quản của người dân còn thể hiện đậm nét trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, Ủy ban MTTQVN huyện phát động chương trình “San sẻ yêu thương vượt qua đại dịch” và đón nhận nhiều tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ 43.769 suất quà cho hộ gia đình khó khăn với số tiền gần 3,2 tỷ đồng; nhân dân đóng góp ủng hộ Quỹ Phòng chống COVID-19 hơn 2,248 tỷ đồng. Tại địa bàn 113 thôn cũng lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện, mang tính nhân văn sâu sắc như: mô hình “Đi chợ giúp dân”; “Shipper 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”… Có thể khẳng định, “nghĩa tình đồng bào” được phát huy cao độ trong giữa những ngày đất nước căng mình chống đại dịch; đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc ta nói chung, người dân vùng nông thôn Hòa Vang nói riêng.
Ngoài ra, việc tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT cũng là một trong những hình thức hướng về cơ sở của công tác Mặt trận, là kết quả của việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Người dân đã tham gia 890 ý kiến đóng góp xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức đoàn thể, ý kiến trong xây dựng dự án, những vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân nhất là các lĩnh vực về ô nhiễm môi trường, ngập úng, giải tỏa đền bù, tái định cư… Khi “tình làng, nghĩa xóm” được thắt chặt đã hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, không để phát sinh điểm nóng ngay từ cơ sở. Thông qua ngày hội, khát vọng được đóng góp sức người, sức của trong mỗi người dân được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,5 triệu đồng/năm 2022 (tăng 6 lần so với năm 2003). Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bình quân hằng năm có trên 87% số thôn đạt tiêu chuẩn “Thôn văn hóa” và 97% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Hòa Vang Lê Duy Cửu cho biết, hội nghị lần này nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được, cũng như rút ra được những bài học kinh nghiệm trong chặng đường 20 năm tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT. Mỗi năm, “Bữa cơm đại đoàn kết” ở mỗi thôn không chỉ đem đến niềm vui trong hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ “tình làng, nghĩa xóm” và động viên, khuyến khích mọi người dân tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương; góp phần từng bước đưa Hòa Vang tiệm cận đô thị có bản sắc riêng mà mục tiêu gần là hoàn thành xây dựng đô thị loại IV và trở thành thị xã vào năm 2025, xứng đáng là “Chấm son trên bản đồ Tổ quốc” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.