Trang bị công cụ hiện đại trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Nghị quyết Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận nhiều nội dung quan trọng…

Tham gia góp ý đối với Nghị quyết Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng và cơ chế đặc thù thực hiện chương trình này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh góp ý chiều nay 8/11.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh góp ý chiều nay 8/11.

Cụ thể, đại biểu Bố Thị Xuân Linh dẫn chứng số liệu số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao 223.715 người (chiếm 0,23% dân số cả nước), có ở mọi thành phần (giới trẻ, thanh thiếu niên, lớn tuổi lao động, nghề nghiệp không ổn định, học sinh, sinh viên...), lứa tuổi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu bày tỏ thống nhất cao việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác phòng, chống ma túy và lĩnh vực có liên quan, cũng như quy định của pháp luật hiện hành.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành khi được giao ban hành các văn bản hướng dẫn cần thể hiện rõ tính đặc thù, đơn giản, tránh mẫu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp.

Đối với các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của chương trình, qua thực tiễn xã hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi, tính cấp thiết của một số mục tiêu, chỉ tiêu đề xuất nêu trong dự thảo Nghị quyết. Để có thể đạt được 100 các chỉ tiêu này, đại biểu Linh đề nghị cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn, đầu tư đầy đủ hơn về vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại cho cán bộ, chiến sỹ chuyên trách làm công tác này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi trong tình hình mới.

Theo đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị nâng chỉ tiêu tại điểm c khoản 1 Điều 1 từ 80% lên 100%, cụ thể: “100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 100% các đơn vị và cán bộ, chiến sỹ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.”.

Ngoài ra, liên quan đến quy định về giao Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai, thực hiện các nhiệm vụ (Điều 3), đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao, tránh sự trùng lặp giữa khoản 4 Điều 1 và khoản 1 Điều 3.

đại biểu Đặng Hồng Sỹ tham gia thảo luận tại tổ.

đại biểu Đặng Hồng Sỹ tham gia thảo luận tại tổ.

Cùng góp ý về Nghị quyết Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho biết, qua tiếp xúc cử tri, cử tri mong muốn chính quyền đẩy mạnh đầu tư các khu cai nghiện tập trung vì hiệu quả cai nghiện trong cộng đồng còn thấp. Do đó, cần phải bổ sung nội dung về đầu tư các khu cai nghiện tập trung, đi đôi với việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tăng cường tạo điều kiện cho người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng trong tương lai.

T.HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/trang-bi-cong-cu-hien-dai-trong-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-ma-tuy-125567.html