20 năm sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương: Hồi sinh từ đau thương

Ngày 26/12/2024, nhiều quốc gia trên khắp châu Á đã tổ chức các lễ tưởng niệm để tưởng nhớ gần 230.000 người thiệt mạng trong trận sóng thần năm 2004. Đối với nhiều người, nỗi đau vẫn còn đó, những người mẹ vẫn mòn mỏi đợi chờ tin của đứa con mất tích dù đã 20 năm trôi qua.

 Cảnh hoang tàn do động đất, sóng thần ở vùng ven biển Banda Aceh, Indonesia, cách đây 20 năm (trái) và một góc thành phố Banda Aceh hiện nay

Cảnh hoang tàn do động đất, sóng thần ở vùng ven biển Banda Aceh, Indonesia, cách đây 20 năm (trái) và một góc thành phố Banda Aceh hiện nay

Ký ức kinh hoàng

Ngày này cách đây 20 năm (26/12/2004), một trận động đất mạnh 9,1 độ richter đã tấn công đảo Sumatra của Indonesia, gây ra những con sóng lớn ập vào các cộng đồng ven biển trên khắp Ấn Độ Dương. Những con sóng cao tới 30m đã giết chết tổng cộng 227.899 người của 15 quốc gia. Đây là thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất lịch sử nhân loại.

Tỉnh Aceh (Indonesia) là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 160.000 người thiệt mạng. Hơn 93.000 người mất tích, 565.000 người mất nhà cửa, gần 200.000 công trình bị hư hại. Hơn 800 km đường bờ biển trên khắp quốc đảo bị phá hủy. Nhiều địa phương ở Aceh phải mất nhiều năm sau mới có thể hồi phục hệ sinh thái, cộng đồng dân cư như ban đầu. Tỉnh Aceh thiệt hại tài sản ước tính trên 4,5 tỷ USD.

Một người đàn ông ngồi trên đống đổ nát sau khi sóng thần quét qua ở thành phố ven biển Banda Aceh, tỉnh Aceh, Indonesia

Một người đàn ông ngồi trên đống đổ nát sau khi sóng thần quét qua ở thành phố ven biển Banda Aceh, tỉnh Aceh, Indonesia

Những ngày này, các gia đình đã đến thăm các ngôi mộ tập thể trên khắp thành phố Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh. Nhiều người đã khóc tại ngôi mộ tập thể ở làng Ulee Lheue, nơi có hơn 14.000 nạn nhân thiệt mạng do sóng thần mà chưa xác định được được danh tính và không có người nhận. Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thống đốc Aceh Safrizal Zakaria Ali nhắc lại khoảnh khắc kinh hoàng của trận sóng thần: "Vào ngày đó, thế giới đã chứng kiến thảm họa có thể xảy ra như thế nào ngay lập tức thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Chúng tôi đã mất đi những người thân yêu của mình: Cha, mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng, bạn bè. Hàng nghìn trẻ em mất cha mẹ, hàng nghìn cha mẹ mất đi con cái. Các ngôi làng biến mất, thành phố bị bị tàn phá, và cuộc sống dường như ngừng lại".

Những ký ức về thiệt hại do sóng thần gây ra đã phai nhạt dần trong số nhiều người đã trải qua nó và những thế hệ mới lớn lên. Song, đối với nhiều người dân nơi đây, nỗi đau vẫn còn đó. Những người mẹ vẫn mòn mỏi đợi chờ tin của đứa con mất tích 20 năm qua. Bà Saudad Femi Malisa có con mất tích trong trận sóng thần 20 năm vẫn chờ đợi: "Nếu con tôi vẫn còn sống, tôi hy vọng nó có thể gặp tôi trước khi tôi qua đời. Nếu nó đã qua đời thì là ý Chúa nhưng tôi tin con tôi vẫn còn sống".

Nỗi đau vẫn còn nguyên khi cô Cut Sylvia nhớ lại lần cuối ở bên Siti - con gái 2 tuổi của mình. Đó là một buổi sáng bình thường ở thành phố ven biển Banda Aceh. Sylvia và chồng cô thấy mọi người bắt đầu chạy ra khỏi nhà, hô hào nước biển đang ập đến. Bế con gái trên người, chỉ vài phút sau, Sylvia đã gặp sóng tràn vào nhà. "Tôi không thể diễn tả được khoảnh khắc đó. Con bé thậm chí không khóc hay nói bất cứ điều gì, chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ bị chia cắt", Sylvia kể.

Siti, con gái của vợ chồng anh chị Sylvia và Budi, đã mất tích trong sóng thần cách đây 20 năm

Siti, con gái của vợ chồng anh chị Sylvia và Budi, đã mất tích trong sóng thần cách đây 20 năm

Siti đã bị sóng cuốn trôi. Sau 15 phút cảm thấy như thể bị cuốn trong chiếc máy giặt, Sylvia trèo được lên mái nhà và nhận ra con gái mình đã mất tích. Budi Permana, chồng của Sylvia, cũng bị cuốn trôi nhưng may mắn bám được vào một ngọn cây dừa. Sylvia và Budi đã đoàn tụ sau đó 1 tuần tại thành phố Medan, cách nhà của họ 600km. Nhưng con gái họ từ đó không trở về, đến nay đã tròn 20 năm. Nhiều năm qua, anh Budi Permana đã làm việc cho Hội Chữ thập đỏ, thường đến thăm các trại trẻ mồ côi, dò hỏi tin con.

Bà Rani Amma (50 tuổi) đau buồn vì gia đình bà đã thiệt mạng trong trận sóng thần. Amma đã mất 7 thành viên trong gia đình, bao gồm 4 người cháu gái, 1 người con trai, 1 người con gái và 1 người con rể. Còn bà Rattana,người mẹ mất đi đưa con 4 tuổi trong thảm họa, chia sẻ: "Tôi cảm nhận rằng những con sóng đã mang con gái tôi đi mất, tôi rất tức giận với biển. Tôi không thể đến gần nó và thậm chí không được đặt chân lên cát".

Bà Rani Amma đau buồn vì gia đình bà đã thiệt mạng trong trận sóng thần

Bà Rani Amma đau buồn vì gia đình bà đã thiệt mạng trong trận sóng thần

Tại Sri Lanka, nơi có 35.322 người thiệt mạng, các buổi lễ cầu nguyện được tổ chức trên khắp cả nước. Sóng thần cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người ở Thái Lan, với hơn một nửa là du khách nước ngoài. Nhiều người vẫn đang mất tích, gần 400 ngôi mộ vẫn chưa được xác định danh tính. Các buổi lễ tưởng niệm và cầu nguyện của chính phủ đã diễn ra.

Các nhà sư Thái Lan cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng do sóng thần ở Phuket

Các nhà sư Thái Lan cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng do sóng thần ở Phuket

Hồi sinh sau thảm họa

Những tổn thương sâu sắc trong thảm họa 20 năm về trước đã được "gói lại" để Aceh đứng lên, vừa chữa lành những vết thương, vừa xây dựng và phát triển. Thành phố Banda Aceh đã hồi sinh, trở thành một vùng xanh tốt, trù phú và sầm uất. Hơn 100.000 ngôi nhà đã được xây mới chỉ riêng ở tỉnh Aceh, Indonesia.

Những nỗ lực tái thiết đã trở nên khả thi nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, những người đã đóng góp nguồn quỹ đáng kể để giúp khu vực phục hồi. Các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy bởi thảm họa đã được tái thiết với sức mạnh và độ bền được tăng cường, đảm bảo sự chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức trong tương lai. Cùng sự phục hồi thần kỳ, thảm họa cũng đã mở ra cánh cửa cho hòa bình ở Aceh khi cuộc xung đột kéo dào 30 năm trong khu vực cũng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm vì thảm họa này cho hòa bình là con đường tốt nhất để xây dựng Aceh tốt hơn.

Lễ tưởng niệm nạn nhân thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia

Lễ tưởng niệm nạn nhân thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia

So với 20 năm trước, hiện nay chính quyền Aceh và người dân đã có những nhận thức đầy đủ hơn, chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các thảm họa như động đất hay sóng thần. Mỗi con người, mỗi chứng tích ở đây đều ẩn chứa những điều kỳ diệu lớn lao về sự phục hồi.

Hiện nay, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), đã nỗ lực thiết lập các hệ thống cảnh báo sóng thần sớm tốt hơn.

Trong 20 năm qua, thế giới nay có thể đối phó với sóng thần tốt hơn nhờ hàng triệu đô la Mỹ đầu tư vào các hệ thống cảnh báo, hơn 1.400 trạm quan sát đã được lập trên toàn cầu để có thêm vài phút quý báu cảnh báo sau khi sóng thần được hình thành. Hiện có 3 hệ thống cảnh báo sớm bao phủ Ấn Độ Dương, bao gồm 1 hệ thống ở thủ đô Jakarta (Indonesia), 1 hệ thống đặt tại Melbourne và Canberra (Australia), 1 hệ thống ở Hyderabad (Ấn Độ).

Nguồn: AFP, CNN

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/20-nam-tham-hoa-song-than-o-an-do-duong-hoi-sinh-tu-dau-thuong-20241226223601424.htm