Khai quật quái thú 193 triệu tuổi ở thành phố Trùng Khánh

Quái thú vừa được khai quật gần Công viên trung tâm Trùng Khánh (Trung Quốc) là loài Ornithischia phân nhánh sớm nhất từng được phát hiện ở châu Á.

Một chiếc xương đùi quái thú được tìm thấy từ hệ tầng Ziliujing ở quận Du Bắc, TP Trùng Khánh - Trung Quốc, cách Công viên Trung tâm Trùng Khánh chỉ 2 km, đã giúp các nhà cổ sinh vật học xác định một loài sinh vật chưa từng được biết đến trước đây.

Mẫu vật có niên đại lên đến 193 triệu tuổi, tức đầu kỷ Jura và thuộc bộ Khủng long hông chim (Ornithischia).

Một quái thú thuộc dòng dõi Ornithischia - Minh họa AI: Thu Anh

Một quái thú thuộc dòng dõi Ornithischia - Minh họa AI: Thu Anh

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Xi Yao từ Đại học Vân Nam (Trung Quốc) đã đặt tên cho loài quái thú mới là Archaeocursor asiaticus.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học iScience, đây là loài Ornithischia phân nhánh sớm nhất từng được phát hiện ở châu Á.

"Ornithischia, một nhánh khủng long nổi bật, đã đa dạng hóa thành nhiều dạng khác nhau như ankylosaurs, stegosaurs, hadrosaurs, ceratopsians và pachycephalosaurs trong suốt đại Trung Sinh" - tờ Sci-News dẫn lời TS Yao.

Theo các tác giả, vào đầu kỷ Jura, các hóa thạch Ornithischia rất nhiều và đa dạng ở siêu lục địa phía Nam Gondwana.

Trong khi đó, tại siêu lục địa phía Bắc Laurasia - nơi hầu hết đất đai ở châu Á ngày nay thuộc về - hồ sơ hóa thạch về bộ khủng long này rất ít.

Vào thời kỳ mà Ornithischia thống trị siêu lục địa phía Nam, siêu lục địa phía Bắc được trấn giữ chủ yếu bởi nhóm khủng long bọc thép to lớn.

Vì vậy, sự xuất hiện của Archaeocursor asiaticus rất có giá trị đối với ngành cổ sinh vật học, có thể giúp họ hiểu thêm về cách nhóm khủng long này ra đời và phát triển ở Laurasia.

Con quái thú này tuy có hình dáng đáng sợ nhưng khá nhỏ bé, chỉ dài 1 m và là loài ăn thực vật. Phân tích phát sinh loài cho thấy nó có họ hàng gần gũi với một loài khủng long hông chim ở Gondwanan là Eocursor parvus .

Phát hiện này chỉ ra phải có một sự kiện phân tán sớm hơn của khủng long Ornithischia đầu kỷ Jura từ Gondwana đến Laurasia, bao gồm Đông Á, dường như độc lập và có thể sớm hơn sự phân tán của khủng long bọc thép.

Điều này đồng nghĩa với việc có ít nhất một nhóm Ornithischia tổ tiên chưa từng được biết đến, lâu đời hơn nhiều so với mẫu vật ở Trung Quốc cũng như các mẫu vật ở phía Nam địa cầu, mà các nhà khoa học rất mong có thể tìm thấy trong tương lai.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khai-quat-quai-thu-193-trieu-tuoi-o-thanh-pho-trung-khanh-196241227075852636.htm