20% sản phẩm tiêu dùng ở EU vi phạm quy định về hóa chất nguy hại
Tác động sức khỏe do tiếp xúc với chì đã được cảnh báo với hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới và chỉ số thông minh ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị mất khoảng 765 triệu điểm.
Kết quả kiểm tra do Cơ quan Quản lý châu Âu về Hóa chất (ECHA) thực hiện cho thấy khoảng 20% các sản phẩm tiêu dùng của các nước Liên minh châu Âu (EU) đang vi phạm quy định, có thể kể đến như đồ chơi, tai nghe, thảm yoga, găng tay xe đạp, giày dép, trang sức....
ECHA khuyến nghị cấm bán những mặt hàng tiêu dùng này do chứa quá nhiều hóa chất nguy hại (chì, cadmium, phtalates...) .
Cảnh báo trên được ECHA đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 13/12, theo đó, trong khoảng 2.400 sản phẩm được các cơ quan kiểm soát gian lận hoặc hải quan kiểm tra vào năm 2022 tại 26 quốc gia EU, bao gồm cả Pháp, hơn 400 sản phẩm (20%) đã vi phạm quy định pháp luật châu Âu.
Các thiết bị điện (đồ chơi điện, bộ sạc, dây cáp, tai nghe) là những thiết bị gây lo ngại nhất với hơn một nửa danh mục mặt hàng này (52%) bị cho là không tuân thủ quy định, chủ yếu là do có chì trong các mối hàn, phthalate trong các bộ phận nhựa mềm hoặc cadmium trong mạch in.
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 9 vừa qua trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health, cho đến nay người dân vẫn xem thường sự độc hại của chì.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tác động sức khỏe của việc tiếp xúc với chì đã được cảnh báo với khoảng hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới và chỉ số thông minh ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị mất khoảng 765 triệu điểm.
Phthalates, được sử dụng để làm cho nhựa dẻo hơn, là chất gây rối loạn hệ nội tiết, đặc biệt có hại cho quá trình sinh sản.
Trong khi đó, cadmium được phân loại là chất gây ung thư, gây đột biến gene và gây tổn thương cho hệ sinh sản và đặc biệt liên quan đến sự bùng nổ của bệnh ung thư tuyến tụy.
Ba chất này cũng được phát hiện có mức cao trong các mặt hàng thời trang - túi xách, trang sức, thắt lưng, giày dép hoặc quần áo. Theo kết quả kiểm tra, 15% trong số các mặt hàng này không tuân thủ quy định.
Với 16% không tuân thủ quy định, đồ chơi không dùng điện cũng chứa đầy các thành phần nguy hiểm cho sức khỏe: phthalate trong các bộ phận bằng nhựa mềm, ngoài ra còn có các chất được kiểm soát khác như hydrocacbon thơm đa vòng (PAH), niken, axit boric hoặc nitrosamine.
Báo cáo cũng đề cập đến nhiều loại đồ chơi khác như đồ chơi trong bồn tắm, các sản phẩm dành cho trẻ em như thảm chơi, búp bê, trang phục, tượng nhựa và cả keo dẻo slime (một loại gel đặc, dẻo, nhờn, mềm, có nhiều màu khác nhau, dùng làm đồ chơi).
Dòng sản phẩm phổ biến khác cũng được phát hiện vi phạm qua thanh tra là thiết bị thể thao như thảm tập yoga, găng tay xe đạp, bóng, tay cầm bằng cao su...
18% trong số các sản phẩm này bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu do chứa parafin clo hóa chuỗi ngắn (chất chống cháy), phthalate trong nhựa và PAH trong cao su.
Trong số khoảng 2.400 sản phẩm được kiểm tra, đa số là sản phẩm nhập khẩu, đến từ "bên ngoài" Khu vực Kinh tế châu Âu (1.289 sản phẩm) hoặc "không xác định được xuất xứ (523 sản phẩm).
Trong hầu hết các trường hợp (85% các trường hợp vi phạm được ghi nhận), các cơ quan quản lý đã thực hiện các biện pháp để thu hồi các sản phẩm độc hại này hoặc hạn chế lưu thông trên thị trường.
Cơ quan này đã đưa ra các lệnh cấm, thu hồi sản phẩm hoặc vận động các doanh nghiệp tự nguyện thu hồi lại.
Tuy nhiên báo cáo từ cơ quan quản lý thuộc EU cũng nêu rõ trong đa số các trường hợp (53%), các công ty vi phạm không phải chịu bất cứ hình phạt nào.
Chỉ 18% trường hợp vi phạm bị phạt tiền và chỉ 13% liên quan tới bị khiếu nại hoặc mở cuộc điều tra pháp lý.
Ngoài các sản phẩm tiêu dùng lớn, chương trình kiểm soát, do ECHA giám sát, còn tập trung vào các “chế phẩm” (sản phẩm hóa chất được pha chế để tạo ra một sản phẩm cuối cùng).
Đối với loại sản phẩm này, tỷ lệ không tuân thủ lên tới 9%. Các hành vi vi phạm đặc biệt liên quan đến chất tẩy sơn (38%), có chứa dichloromethane (chất gây ung thư) hoặc keo có chứa toluene hoặc chloroform.
Để hạn chế các sản phẩm độc hại nói trên, ECHA đã đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, các nhà sản xuất cần nâng cao sự cẩn trọng bằng cách thực hiện các nghiên cứu đánh giá rủi ro thích hợp trong quá trình sản xuất và tiếp thị sản phẩm, đồng thời kiểm tra xem sản phẩm có tuân thủ các quy định khác nhau liên quan đến các sản phẩm hóa chất hay không.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, cần thúc đẩy các doanh nghiệp liên lạc với các đối tác nước ngoài nhằm tăng cường nhận thức từ các đối tác về vấn đề này.
Các quốc gia thành viên EU cũng được kêu gọi tăng cường kiểm soát các sản phẩm được xác định là có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người châu Âu./.