200 bác sĩ tham dự Hội nghị Miễn dịch – Dị ứng Nhi khoa toàn quốc
Sáng 17/10, tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng diễn ra Hội nghị Miễn dịch – Dị ứng Nhi khoa toàn quốc lần thứ III.
Hội nghị có sự tham dự của 200 bác sĩ đến từ các cơ sở y tế, các bệnh viện, viện, trường, trung tâm nghiên cứu miễn dịch – dị ứng cả nước thuộc Chi hội Miễn dịch – Dị ứng Nhi khoa (Hội Nhi khoa Việt Nam).
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Lê Thị Minh Hương – Chủ tịch Chi hội Miễn dịch – Dị ứng Nhi khoa (Hội Nhi khoa Việt Nam) cho biết: Mô hình bệnh tật có xu hướng thay đổi với tỷ lệ các bệnh dị ứng miễn dịch ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ em. Kể từ khi thành lập đến nay, Chi hội đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc sức khỏe trẻ em trong lĩnh vực rối loạn miễn dịch thông qua điều trị người bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức chuyên ngành cho nhân viên y tế và tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
Mặc dù, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động của toàn cầu trong thời gian qua, nhưng với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo Chi hội, được sự đồng ý của Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, Ban tổ chức nhanh chóng khởi động để tổ chức Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng toàn quốc lần thứ 3 vào ngày 16 - 17/10 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Với nội dung phong phú và chuyên sâu của 2 lớp đào tạo cập nhật kiến thức và 31 báo cáo tại hội nghị, hy vọng sẽ giúp cho các bác sĩ tham dự có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng, cập nhật mới phác đồ chẩn đoán, điều trị và quản lý tốt bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính này.
Tham dự hội nghị có chuyên gia y tế Việt Nam, GS-TS Nguyễn Gia Khánh – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết: Ba năm qua, Chi hội Miễn dịch – Dị ứng Nhi khoa đã tổ chức các hội nghị khoa học hàng năm và chất lượng của các báo cáo khoa học ngày càng được nâng lên một cách rõ rệt. Miễn dịch – Dị ứng là một chuyên ngành khoa học có mặt ở tất cả các chuyên ngành, kể cả các bệnh lý ở người lớn cũng như ở trẻ em và khoa học càng phát triển, công nghệ, các ngành công nghiệp càng phát triển thì sự quan tâm tới vấn đề miễn dịch – dị ứng càng được đề cập đến rất nhiều.
Với sự lớn mạnh của hoạt động Chi hội Miễn dịch – Dị ứng, đặc biệt là đối với Nhi khoa, chắc chắc sẽ có đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành Miễn dịch – Dị ứng của Nhi khoa và đồng thời đóng góp không nhỏ trong quá trình điều trị, chẩn đoán đối với tất cả các bệnh nhi trong cả nước. Đây chính là một trong các mục tiêu của Hội Nhi khoa Việt Nam.
Khi khoa học càng ngày càng đi sâu vào từng chuyên ngành thì chúng ta sẽ có những chi hội chuyên ngành, những chi hội chuyên ngành này chính là sân hoạt động khoa học cho tất cả các bác sĩ chuyên ngành thuộc về các chuyên ngành sâu nhi khoa sẽ phục vụ tốt hơn mục tiêu chẩn đoán, điều trị và nâng cao sức khỏe cho trẻ em.
Tại phiên toàn thể, dưới sự chủ tọa của GS-TS Nguyễn Gia Khánh – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam; GS-TSKH Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam; PGS-TS Lê Thị Minh Hương – Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa có các báo cáo khoa học về: Cập nhật điều trị miễn dịch đặc hiệu trong dị ứng hô hấp ở trẻ em; cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị sốc phản vệ; đồng thuận điều trị Gammaglobulin cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch thiếu Gammaglobulin máu… Bên cạnh đó, có 2 phiên hội thảo vệ tinh về chuyên đề: Hô hấp – Dị ứng; Miễn dịch – Tự miễn – Khớp.
Trước đó, ngày 16/10, Ban tổ chức đã mở 2 lớp đào tạo cập nhật kiến thức chuyên sâu với 2 nội dung: Phản ứng quá mẫn với thuốc cản quang và sốc phản vệ trong phòng mổ; suy giảm miễn dịch bẩm sinh cho các bác sĩ trong cả nước.
Từ 2 lớp đào tạo cập nhật kiến thức chuyên sâu này, PGS-TS Lê Thị Minh Hương – Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa cho biết, trong thời gian tới, Chi hội sẽ ứng dụng công nghệ thông tin hàng tháng để tổ chức online 1 lớp tương tác trực tiếp với các bác sĩ góp phần cập nhật kịp thời kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ y tế trong cả nước.