200 doanh nghiệp kết nối giao thương nâng cao cạnh tranh
Kinhtedothi – Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kỷ nguyên 'Những tế bào bền vững' do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) tổ chức sáng 17/3, tại Hà Nội 10 hiệp hội và gần 200 doanh nghiệp đã tham gia kết nối giao thương để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, kết thúc năm 2022, Việt Nam có nhiều chính sách để mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế để đưa các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được phân phối trở lại nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 2023 đạt từ 7,5 - 8%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các nước châu Âu đang hạn chế trong việc đầu tư ra thị trường các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được các nước trong khối Hiệp định thương mại tự do (FTA) hết sức quan tâm.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như đón các nguồn vốn FDI, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như kết nối giao thương với các thành viên của các hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành và Hà Nội để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm là hết sức quan trọng.
“Điều này sẽ giúp các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu” - ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Đồng thời cho rằng, bên cạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau, cần kết nối doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia. Đơn cử với tập đoàn số 1 về dịch vụ y tế tái sinh và thẩm Mỹ công nghệ cao tại Nhật Bản chuyên chăm sóc sức khỏe chủ doanh nghiệp, loại bỏ bệnh tật, giúp trẻ khỏe bằng các liệu pháp tế bào gốc, lọc máu, NMN (cải lão hoàn đồng)… Điều này giúp hỗ trợ, nâng cao sức khỏe của doanh nghiệp về nguồn vốn, quản trị, sản xuất kinh doanh,…
Là doanh nghiệp hàng đầu về y tế tái sinh và thẩm mỹ công nghệ cao, tham dự sự kiện, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ever tại Việt Nam Ngô Thị Ngọc Mai cũng kỳ vọng thông qua sự kiện sẽ kết nối, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp thuộc Hanoisme nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
“Ngoài việc trở thành khách hàng của nhau, thông qua hoạt động kết nối giao thương này, chúng tôi có thể gặp gỡ, kết nối và trở thành đối tác của nhau trong nhiều lĩnh vực” - bà Ngô Thị Ngọc Mai chia sẻ.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hanoisme sẽ tiếp tục kết nối giao thương giữa hiệp hội các tỉnh, thành và Hà Nội. Điều này giúp cho các chủ trương chính sách, cơ chế, giải pháp, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn, giải pháp về mặt thị trường, đổi mới về công nghệ sẽ được lan tỏa đến các doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội cũng như các doanh nghiệp cả nước.
Trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành. Thông qua đó, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP cũng kỳ vọng sẽ kết nối với các đơn vị phân phối, để có thể cùng nhau tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng như đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/200-doanh-nghiep-ket-noi-giao-thuong-nang-cao-canh-tranh.html