Cuộc tập trận Cold Response 2022 bắt đầu vào ngày 14/3 và dự kiến kéo dài đến 1/4. Một phần lực lượng phản ứng nhanh trên bộ của NATO cũng được triển khai.
Được biết đây là cuộc tập trận huy động lực lượng lớn với 30.000 binh sĩ, 200 máy bay cùng 50 chiến hạm cùng hàng ngàn phương tiện bọc thép của NATO.
"Đó là một cuộc tập trận phòng thủ", tướng Yngve Odlo, người phụ trách cuộc tập trận cho biết. Bên cạnh đó, ông khẳng định cuộc tập trận không phải là một hoạt động quân sự với mục đích tấn công.
Các cuộc tập trận Cold Response 2022 được lên kế hoạch từ trước khi Moscow bắt đầu chiến dịch ở Ukraine.
Với tần suất hai năm một lần, các cuộc tập trận hải quân, không quân và lục quân được tổ chức trên những vùng đất rộng lớn thuộc lãnh thổ của Na Uy, bao gồm cả phía trên vòng Bắc Cực.
Các cuộc tập trận sẽ được thực hiện cách xa biên giới của Na Uy với Nga vài trăm km. Tuy vậy Nga đang theo dõi đặc biệt.
"Bất kỳ sự tăng cường năng lực quân sự nào của NATO gần biên giới Nga đều không giúp củng cố an ninh trong khu vực", Đại sứ quán Nga tại Na Uy cho biết vào tuần trước.
Bên cạnh đó, tướng Odlo cũng cho biết: "Nga có đủ năng lực để theo dõi cuộc tập trận một cách hoàn toàn hợp pháp".
Thụy Điển và Phần Lan là các nước không nằm trong NATO nhưng ngày càng có mối quan hệ gần gũi với liên minh này, cũng sẽ tham gia Cold Response 2022.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở hai nước này về khả năng trở thành thành viên NATO.
Mỹ cảnh báo NATO sẽ "dốc toàn lực đáp trả" nếu lãnh thổ liên minh bị tấn công, sau vụ Nga không kích mục tiêu Ukraine gần biên giới Ba Lan.
"Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để bảo vệ từng tấc đất trong lãnh thổ NATO", Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời phỏng vấn hôm 13/3.
"Nếu bất cứ cuộc tấn công quân sự nào xảy ra trên lãnh thổ NATO, nó sẽ kích hoạt Điều 5 trong hiệp ước của khối và chúng tôi sẽ dốc toàn bộ lực lượng của liên minh để đáp trả", ông Jake Sullivan nhấn mạnh.
Điều 5 hiệp ước NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.
Khi được hỏi liệu NATO có "dốc toàn lực" chống lại Nga ngay cả khi nước này "vô tình tấn công" vào lãnh thổ một nước thành viên hay không, Sullivan nói: "Tôi muốn nói là nếu Nga tấn công, khai hỏa, bắn vào lãnh thổ NATO, liên minh đều sẽ đáp trả".
Tuyên bố được ông Sullivan đưa ra sau khi quân đội Nga tiến hành không kích nhằm vào căn cứ quân sự Ukraine ở Yavoriv, hay còn gọi là Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế, gần thành phố Lviv và cách biên giới Ba Lan khoảng 25 km.
Phía Ukraine tuyên bố rằng, cuộc không kích khiến 35 người thiệt mạng và 130 người bị thương.
Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố 180 lính đánh thuê nước ngoài đã chết sau đòn không kích bằng vũ khí chính xác cao của nước này, điều mà Kiev phủ nhận.
Sau vụ không kích, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan kêu gọi NATO điều thêm quân và thiết bị quân sự tới biên giới với Ukraine để "cho Nga thấy chúng ta đủ mạnh để răn đe".
Trong một diễn biến liên quan, một trinh sát cơ không người lái Tu-141 hôm 10/3 bay từ vùng chiến sự Ukraine qua không phận Romania và Hungary trước khi rơi xuống ngoại ô thủ đô Zagreb, Croatia, khiến 40 xe ôtô hư hại.
Cả Romania, Hungary và Croatia đều là thành viên của NATO. Không rõ Nga hay Ukraine vận hành trinh sát cơ này và cả hai nước đều phủ nhận liên quan.
NATO cho hay đã phát hiện và theo dõi đường bay của chiếc Tu-141, nhưng Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic khẳng định không nhận được cảnh báo nào từ NATO và chỉ trích liên minh phản ứng chậm chạp.
Ông cũng kêu gọi giới chức Hungary mở cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân lực lượng phòng không nước này không phát hiện ra chiếc trinh sát cơ dù nó bay hơn 40 phút trên không phận.
Tổng thống Biden từng tuyên bố sẽ đáp trả nếu Nga tấn công một thành viên của NATO, ngay cả khi điều đó có thể dẫn tới Thế chiến III. Tuy nhiên, ông nhắc lại quan điểm trước đây rằng Washington sẽ không điều lực lượng tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
Việt Hùng