2021 sắp hết, chữ ký quan chức thời Trump vẫn còn trên tiền giấy Mỹ
Dù nhậm chức gần một năm, bà Janet L. Yellen, Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Biden, vẫn chưa thể đưa chữ ký của mình lên loạt tiền giấy mới ở Mỹ theo thông lệ.
Trong một buổi lễ tại Cục Ấn loát thuộc Bộ Tài chính Mỹ vào năm 2017, Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính thời điểm đó, cùng vợ tạo dáng trước ống kính với một bản in gồm nhiều tờ 1 USD chưa cắt. Đây là những tờ tiền đầu tiên mang chữ ký của ông Mnuchin.
Hơn bốn năm sau, bà Janet L. Yellen trở thành Bộ trưởng Tài chính mới. Tuy nhiên, chữ ký của ông Mnuchin vẫn tiếp tục xuất hiện trên các tờ USD lưu hành tại Mỹ.
Thủ tục rườm rà
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là xuất phát từ thủ tục cứng nhắc trong bộ máy quản lý ở Washington, theo New York Times.
Theo quy định, chữ ký của thống đốc Ngân khố cũng như bộ trưởng Tài chính Mỹ phải có trên tiền giấy của Cục Dự trữ Liên bang trước khi được chứng nhận là có giá trị. Mỹ đã có bộ trưởng Tài chính mới từ tháng 1, song Tổng thống Joe Biden vẫn chưa bổ nhiệm thống đốc Ngân khố mới.
Quá trình đưa chữ ký của các thống đốc Ngân khố lên tiền giấy thông qua một thủ tục kéo dài vài tháng. Quá trình này thường diễn ra trong năm đầu tiên tại chức của các thống đốc. Loạt tiền mới in buộc phải có chữ ký của cả bộ trưởng Tài chính lẫn thống đốc Ngân khố.
Ngay cả khi Tổng thống Biden bổ nhiệm thống đốc Ngân khố mới trong tháng 12, phải đến giữa năm 2022 loạt tiền giấy mới in mới bắt đầu được lưu hành. Điều này đồng nghĩa với việc chữ ký của bà Yellen sẽ không xuất hiện trên các tờ USD mới trong tương lai gần.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết ông Biden đang tích cực cân nhắc các ứng viên cho vị trí thống đốc Ngân khố. Bộ Tài chính từ chối bình luận về vấn đề này.
Truyền thống lâu đời
Vào tháng 3, bà Yellen đã gặp ông Leonard Olijar, Giám đốc Cục Ấn loát, nhằm làm thủ tục cung cấp chữ ký chính thức để in lên loạt tiền giấy mới được phát hành trong năm 2021.
Thời điểm đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ “sớm tiết lộ chữ ký của bà ấy (Yellen) trong vài tuần tới”. Tuy nhiên, chín tháng sau, chữ ký của bà Yellen vẫn bặt vô âm tín trên những tờ USD. Thực tế này đã tước đi một trong những đặc quyền của người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò bộ trưởng Tài chính Mỹ.
“Điều này hơi kỳ cục”, Franklin Noll, Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Ngân khố Mỹ, nhận xét.
Trên lý thuyết, bộ trưởng Tài chính là người có tiếng nói cuối cùng về việc thiết kế mẫu tiền tệ. Do đó, bà Yellen có thể loại bỏ truyền thống thêm chữ ký của thống đốc Ngân khố và lập tức đưa chữ ký của bản thân vào loạt tiền mới in.
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1861, cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã ký dự luật cho phép bộ trưởng Tài chính ủy quyền thống đốc Ngân khố ký vào những tờ trái phiếu kho bạc trung hạn và dài hạn.
Theo Cục Ấn loát, năm 1914 đánh dấu lần đầu tiên bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân khố Mỹ cùng ký vào loạt tiền giấy mới.
Trong những năm gần đây, chữ ký của bộ trưởng Tài chính trên tờ tiền giấy bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận, bởi lẽ những thay đổi đối với thiết kế tiền tệ ở Mỹ là tương đối hiếm.
Vào năm 2012, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner thừa nhận chữ viết tay không phải là sở trường của ông. Do đó, khi được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Geithner đã dành nhiều thời gian luyện chữ ký.
“Tôi cố gắng để chữ ký mình trông rõ ràng chứ không phải để đẹp”, ông Geithner giải thích.
Jacob J. Lew, người tiền nhiệm của ông Geithner, từng bị châm chọc vì chữ ký lắt léo và khó đọc của ông.
Cựu Tổng thống Obama từng nói đùa rằng ông Lew suýt không được bổ nhiệm làm bộ trưởng Tài chính vì lo ngại nét ký nguệch ngoạc của ông Lew sẽ làm mất giá trị của đồng USD.
Tương tự, chữ ký của ông Mnuchin trên tờ tiền giấy ban đầu cũng không dễ đọc. Điều này khiến ông Mnuchin phải phá vỡ thông lệ bằng cách viết tên mình lên tờ giấy bạc thay vì ký nét thảo.