2023, kinh tế toàn cầu có suy thoái?

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) dự báo thế giới phải đối mặt với suy thoái kinh tế vào năm 2023, khi chi phí đi vay cao hơn nhằm giải quyết lạm phát.

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo khó tránh khỏi suy thoái trong năm 2023.

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo khó tránh khỏi suy thoái trong năm 2023.

Dự báo ảm đạm

Báo cáo của CEBR viết: “Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa thắng lợi. Chúng tôi dự báo các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tăng lãi suất trong năm 2023. Cái giá của việc đưa lạm phát xuống mức dễ chịu hơn là triển vọng tăng trưởng kém trong những năm tới”.

Nhận định này bi quan hơn so với dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã cảnh báo vào tháng 10 rằng hơn 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm và 25% khả năng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng trưởng dưới 2% vào năm 2023, mốc được định nghĩa là suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mặc dù vậy, theo CEBR, đến năm 2037, GDP thế giới sẽ tăng gấp đôi khi các nền kinh tế đang phát triển bắt kịp các nền kinh tế giàu có hơn. Cán cân quyền lực đang thay đổi sẽ chứng kiến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn cầu vào năm 2037, trong khi thị phần của châu Âu giảm xuống dưới 1/5.

Dự báo trên cũng phù hợp với nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, khi ngày càng có nhiều nguy cơ cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 dưới mức 2% - từng xảy ra trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Bà Georgieva cho biết, nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, dưới mức 2%, là khoảng 25%. Tuy nhiên, khi đánh giá các chỉ số gần đây, IMF quan ngại nguy cơ này có thể tăng.

Trước đó, IMF dự báo hơn 33% số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm nay hoặc năm sau, trong đó hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ. Người đứng đầu IMF quan ngại nguy cơ suy giảm xảy ra đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Một dự báo dựa trên mô hình kinh tế do hai nhà kinh tế của Bloomberg với 13 chỉ số tài chính cho thấy, nền kinh tế Mỹ khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều chắc chắn kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Một cuộc khảo sát với 42 nhà kinh tế đã dự báo có 60% khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới.

Tiến gần hơn tới suy thoái

Nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần hơn tới suy thoái, giữa bối cảnh các nhà kinh tế một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt, trong khi các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất để đẩy lùi đà tăng cao của lạm phát.

Một điểm tích cực là hầu hết các nền kinh tế lớn dù đang tiến vào một cuộc suy thoái đều có tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các đợt suy thoái trước đó. Chính vì thế hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, đợt suy thoái tới tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây tổn thương quá sâu, song nó cũng có thể khiến lạm phát tăng cao lâu hơn so với dự kiến.

Ông Michael Every - chiến lược gia toàn cầu tại Ngân hàng Rabobank - cho biết, nguy cơ suy thoái toàn cầu là những gì mọi người đang quan ngại và đã trở thành xu hướng chủ đạo trong các dự báo. Theo ông Every, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng là một vấn đề, bởi vì nó như một chỉ báo “trì trệ”, và nếu tỷ lệ này càng duy trì lâu, các ngân hàng trung ương sẽ càng cảm thấy cần tiếp tục tăng lãi suất.

Trong số 22 ngân hàng trung ương được thăm dò ý kiến, chỉ có 6 ngân hàng dự kiến đạt mục tiêu lạm phát vào cuối năm 2023. Đó là sự thụt lùi so với các cuộc khảo sát vào tháng 7 năm nay.

Đa số các nhà kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở các nền kinh tế lớn sẽ tồi tệ hơn trong 6 tháng tới, chỉ có số ít những người còn lại dự kiến tình hình sẽ được cải thiện.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần trong năm nay và các nhà kinh tế cho rằng, Fed sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát giảm xuống khoảng một nửa mức hiện tại. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% và cũng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

Nền kinh tế Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng trưởng dưới mức mục tiêu trong hai năm tới với mức trung bình 6,9% trong năm tài chính 2022 - 2023 (kết thúc ngày 31/3/2023) và 6,1% trong năm tài khóa tới. Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, nhưng đi ngang vào năm 2023, trước khi tăng trưởng 1,5% vào năm 2024.

Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành của IMF - nhận định, trong một thế giới lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lãi suất gia tăng và mối đe dọa kéo dài của Covid-19, các nền kinh tế trên thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2023 sẽ chứng kiến sự suy giảm trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/2023-kinh-te-toan-cau-co-suy-thoai-5706229.html