2024 lập kỷ lục năm nóng nhất từng được ghi nhận
Hôm thứ Sáu (10/1), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã xác nhận nhiệt độ toàn cầu vào năm 2024 lần đầu tiên vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, sau khi xem xét dữ liệu từ Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
"Sự nóng lên toàn cầu là một sự thật lạnh lùng, khắc nghiệt", Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết trong một tuyên bố. "Vẫn còn thời gian để tránh thảm họa khí hậu tồi tệ nhất. Nhưng các nhà lãnh đạo phải hành động - ngay bây giờ".
Hồi đầu năm 2024, WMO từng chính thức xác nhận năm 2023 nóng nhất lịch sử, với các dữ liệu toàn cầu cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 tăng 1,45 độ C so với mức nhiệt độ giai đoạn tiền công nghiệp (1850 - 1900).
Đánh giá ảm đạm mới được đưa ra khi các vụ cháy rừng do gió mạnh gây ra quét qua Los Angeles, khiến 10 người thiệt mạng và gần 10.000 công trình bị phá hủy cho đến nay. Cháy rừng là một trong nhiều thảm họa mà biến đổi khí hậu đang khiến chúng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn .
Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (C3S) cho biết biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ của hành tinh lên mức chưa từng thấy ở con người hiện đại. Các nhà khoa học đã liên kết biến đổi khí hậu với khí thải nhà kính, chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
C3S cho biết nhiệt độ trung bình của hành tinh vào năm 2024 cao hơn 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. WMO cho biết 10 năm qua là 10 năm nóng nhất được ghi nhận. C3S cho biết thêm nồng độ carbon dioxide trong khí quyển, loại khí nhà kính chính, đã đạt mức cao mới là 422 phần triệu vào năm 2024.
Cơ quan Khí tượng Anh xác nhận nhiệt độ năm 2024 có khả năng tăng 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, đồng thời ước tính nhiệt độ trung bình trong năm thấp hơn một chút là 1,53 độ C.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã cam kết sẽ cố gắng ngăn chặn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão và lượng mưa lớn trở nên tồi tệ hơn, vì bầu khí quyển nóng hơn có thể chứa nhiều nước hơn, dẫn đến những trận mưa lớn.
Hơi nước trong khí quyển đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết đây là năm ẩm ướt thứ ba trong lịch sử.
Vào năm 2024, Bolivia và Venezuela đã hứng chịu những vụ cháy thảm khốc, trong khi lũ lụt dữ dội tấn công Nepal, Sudan và Tây Ban Nha, và nắng nóng ở Mexico và Ả Rập Xê Út đã giết chết hàng nghìn người.
Trong khi biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến mọi người từ những người giàu nhất đến những người nghèo nhất trên Trái đất, thì ý chí chính trị để giải quyết vấn đề này đã suy yếu ở một số quốc gia.