2025 - 2034 là thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển

Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vừa thông qua một Nghị quyết tuyên bố giai đoạn năm 2025 - 2034 là Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển.

 Tình trạng băng tan từ dải băng Greenland. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tình trạng băng tan từ dải băng Greenland. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, ngày 13/8 (theo giờ Mỹ), Nghị quyết có tên “Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển, giai đoạn năm 2025 - 2034”, thúc đẩy bởi Pháp và Tajikistan, đã được thông qua mà không cần bỏ phiếu.

Được biết, Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển sẽ được khởi động vào đầu năm 2025, nhằm mục đích giải quyết các thách thức liên quan đến tình trạng sông băng tan chảy và những thay đổi đối với băng quyển, bằng cách thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và giám sát liên quan.

Trong đó, các đại biểu đã nêu bật tính dễ bị tổn thương của các sông băng và các cực trước tình trạng biến đổi khí hậu và vai trò của chúng trong việc điều hòa khí hậu, mực nước biển và bảo tồn đa dạng sinh học.

“Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển sẽ cung cấp động lực chính trị cần thiết để đưa vấn đề này trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự đa phương. Băng quyển, các thành phần đóng băng trong hệ thống Trái đất là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự cân bằng của hành tinh”, một đại biểu đến từ Pháp nhận định.

Trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu đang tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C, các nhà khoa học dự báo, ít nhất một nửa số sông băng hiện nay sẽ biến mất vào năm 2100. Theo đó, dải băng Greenland đã mất 4.890 tỷ tấn băng kể từ năm 1990, và lớp băng Nam Cực đã mất khoảng 2.670 tỷ tấn băng trong giai đoạn 1992 - 2020. Sự mất mát khối lượng này đã tăng gấp 4 lần trong 30 năm, và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nếu không có những nỗ lực giảm thiểu nhanh chóng trên toàn cầu.

Đáng chú ý, những thay đổi này có thể gây ra hậu quả không thể đảo ngược đối với nguy cơ thiên tai, hệ sinh thái và con người, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh lương thực và an ninh nguồn nước cho 2 tỷ người trên toàn thế giới.

Cũng trong phiên họp lần này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về “Thúc đẩy quản lý rừng bền vững, bao gồm trồng rừng và tái trồng rừng trên các vùng đất bị thoái hóa, bao gồm những vùng đất khô cằn, như một giải pháp hiệu quả cho các thách thức về môi trường”.

Theo đó, quản lý rừng bền vững, bao gồm trồng rừng và tái trồng rừng có thể mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, trong số những lợi ích khác, thông qua việc đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Nghị quyết này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy quản lý rừng bền vững.

THANH NGÂN (Lược dịch từ One Planet Summit & Xinhua)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/2025-2034-la-thap-ky-hanh-dong-vi-khoa-hoc-bang-quyen-143978.html