21 năm người dân Sóc Sơn sống trong cơ cực với 15 lần chặn xe chở rác
Trong 21 năm, có tới 15 lần người dân chặn xe rác vào khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn, biết bao thế hệ lãnh đạo Thủ đô hứa sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
21 năm sống chung với ô nhiễm với 15 lần chặn xe rác
Những năm gần đây vấn đề ô nhiễm rác và tình trạng quá tải tại các bãi rác ở Hà Nội ngày càng trở lên nghiêm trọng. Đỉnh điểm ngày 23/10/2020 mới đây, ngay sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Thế Hùng xuống kiểm tra công trường, làm việc với các đơn vị có liên quan về tiến độ Dự án Khu Liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn, giai đoạn 2, thì người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ lại dựng lều bạt, mang chăn chiếu ra trực canh, ngăn xe vận chuyển rác vào khu xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).
Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 người dân chặn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn kể từ năm 1999. Theo người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn, từ năm 1999 đến nay cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, luôn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm do bãi rác này gây ra. Những năm gần đây, bãi rác Nam Sơn đã quá tải, tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối càng nghiêm trọng hơn khiến người dân sống mòn trong đau khổ, người bị ung thư xuất hiện ngày càng nhiều. Cực chẳng đã người dân mới ra đây chặn xe như vậy.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội được tập trung xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.
Giai đoạn 1 của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn từ năm 1996 đến nay đã đóng bãi. Giai đoạn 2 được triển khai sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 vào năm 2011. Theo quy hoạch, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 bao gồm tám ô chôn lấp với diện tích 30ha và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các ô chôn lấp chất thải rắn. Trong đó, khu phía nam 36,26ha, gồm sáu ô chôn lấp hợp vệ sinh; khu phía bắc 37,47ha gồm hai ô chôn lấp.
Theo tính toán, khu phía nam sẽ đưa vào vận hành từ năm 2015, đến hết năm 2018 sẽ đóng bãi, bắt đầu chuyển sang chôn lấp rác tại các ô chôn lấp của khu phía bắc từ năm 2019 và đến năm 2021 sẽ đóng bãi toàn bộ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt được vận chuyển về Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (khoảng 5.000-5.300 tấn/ngày đêm) đang được tiếp nhận xử lý ở khu phía nam. Như vậy, khu phía nam mặc dù theo tính toán ban đầu sẽ đóng bãi vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn đang phải tiếp nhận xử lý rác thải và hiện lượng rác thải phải xử lý đã vượt công suất thiết kế (quá tải) hơn 1,4 triệu tấn.
Trong khi đó, tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay phải tiếp nhận xử lý khoảng 1.200 – 1.300 tấn rác tấn rác thải một ngày. Năm 2014, TP Hà Nội triển khai lập quy hoạch mở rộng khu xử lý với quy mô khoảng 57ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, người dân trong khu vực không đồng ý việc mở rộng. Còn dự án nhà máy xử lý rác phát điện tại Nam Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện đến nay đã chậm tiến độ và chưa hẹn ngày hoàn thành.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặn xe chở rác vào khu xử lý Nam Sơn ngày càng nhiều trong những năm gần đây xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do tình trạng quá tải tại khu vực này và tiến độ thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng từ môi trường bãi rác trong phạm vi 500m chậm trễ.
Sau mỗi lần xảy ra sự cố, lãnh đạo TP Hà Nội đưa ra những hứa hẹn, những cam kết thậm chí là nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân. Cùng với đó là chỉ đạo các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của người dân. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường đã được thông qua. Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan của thành phố và địa phương thiếu đồng bộ, quyết liệt; ý thức, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, chưa cao, thậm chí còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bị động, nặng về thủ tục hành chính, cho nên kết quả chưa có nhiều chuyển biến, gây bức xúc cho người dân. Tình trạng ngăn chặn xe chở rác vào bãi rác lại tái diễn.
Hà Nội rốt ráo xử lý dứt điểm vấn đề liên quan đến bãi rác Nam Sơn
Ngày 25/10/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Vương Đình Huệ đã triệu tập cuộc họp khẩn và yêu cầu các co quan phải siết chặt việc kiểm tra những xe chở rác, đơn vị nào sai phạm phải xử phạt thật nghiêm, đảm bảo các xe vận chuyển rác phải đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Đối với vấn đề đền bù, giải tỏa đất đai để di dời người dân ra khỏi vùng ô nhiễm, Hà Nội đã áp dụng khung giá đền bù thuận lợi nhất cho người dân, tuy nhiên vẫn còn độ chênh giữa quy định của pháp luật và những vấn đề thực tế phát sinh. Thành phố sẽ tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, có những việc có thể và cần phải làm ngay như khẩn trương cấp thẻ y tế cho người dân trong khu vực, kể cả ngoài mốc 1.000 m ô nhiễm như quy định hiện hành. Các ô chôn lấp thuộc dự án mở rộng của khu xử lý rác Nam Sơn ở phía Bắc giai đoạn 2 phải đẩy nhanh tiến độ.
Hiện tại nhà máy đốt rác Nam Sơn đang bị chậm tiến độ, Thành phố cũng yêu cầu phải đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành. Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng kiểm tra, xử phạt các phương tiện vận chuyển rác thải vi phạm quy định liên quan đến điều kiện an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường, nhất là hành vi để chất thải, nước thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển.
Sở Xây dựng và Sở Tài chính trình UBND thành phố ban hành quyết định mới và tổ chức đặt hàng các đơn vị xử lý nước rỉ rác. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tiến hành rà soát quy trình vận hành bãi rác, thực hiện che phủ tạm thời bề mặt diện tích rác hở và phun tăng cường chế phẩm khử mùi, thuốc diệt ruồi và gia cố, nâng cao bờ bao các ô chôn lấp rác thải, hố chứa nước rỉ rác.
Sở Giao thông vận tải đã vào cuộc kiểm tra tổng thể các doanh nghiệp vận chuyển rác thải, phương tiện vận chuyển và lập biểu đồ chạy xe chở rác theo từng khung giờ theo hai tuyến đường, để tránh gây ra ùn tắc tập trung quá nhiều phương tiện trong cùng thời điểm ở cổng vào bãi rác.
Phê bình lãnh đạo huyện Sóc Sơn
Trong buổi thị sát tại khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn mới đây, ông Vương Đình Huệ - Bí Thư TP Hà Nội phê bình lãnh đạo huyện Sóc Sơn chưa làm hết trách nhiệm, còn thụ động trong giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, đẩy trách nhiệm lên thành phố. Đặc biệt, đối với một số kiến nghị, đề xuất của người dân, huyện hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng huyện chưa tích cực, chủ động, còn tâm lý đứng ngoài cuộc.
Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu phải giải quyết triệt để, căn bản và lâu dài những vấn đề liên quan đến Khu Liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn. Cụ thể, từ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu gom xử lý chất thải, xử lý nước rỉ rác, các ô chôn lấp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Huyện Sóc Sơn cần xác định tinh thần trách nhiệm cao hơn, chủ động hơn, xác định đây là nhiệm vụ của huyện để giải quyết, phát huy phương châm “4 tại chỗ”.
Với các kiến nghị, đề xuất của nhân dân, trước hết, huyện và các xã phải tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, đồng thời chủ động giải quyết những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền. Đối với những kiến nghị, đề xuất đã có kết luận của Thành ủy, Tổ công tác của UBND thành phố, huyện cần thực hiện nghiêm; các vấn đề còn tồn tại cần lập danh sách, báo cáo cụ thể bằng văn bản gửi tới các cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Huyện Sóc Sơn cần thực hiện ngay các nội dung bảo đảm an ninh, an toàn khu vực Khu liên hợp xử lý rác thải; chấm dứt bức xúc về nước rỉ rác và sự xuất hiện của người dân trong bãi rác, nhặt rác; nhanh chóng vào cuộc để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân thuộc diện được đền bù vào đầu năm 2021.
Về kiến nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 7.000 hộ dân khu vực trục đường 35 (đường vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn) và 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, ngoài các hộ dân đã được cấp trước đây, Bí thư Thành ủy tán thành và giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan chuẩn bị nội dung này để trình HĐND thành phố sớm nhất. Đây cũng là việc làm cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Hoàn thành đền bù cho người dân ổn định đón Tết Nguyên đán 2021
Trong buổi đối thoại với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn vào chiều 30/10/2020, tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP là vận dụng tối đa cho bà con. Với chính sách, cơ chế còn bất cập, TP sẽ khắc phục ngay, những vấn đề vượt thẩm quyền, TP sẽ báo cáo Trung ương để khắc phục sớm nhất”.
Ông Hùng giao Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội công khai, minh bạch quy trình xử lý rác để người dân biết; hằng ngày tổ chức quan trắc, kiểm tra, đề xuất giải pháp biện pháp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người sống người dân. “Bận đến mấy, hằng ngày cũng phải xuống khu xử lý kiểm tra. Việc xử lý rác phải đúng quy trình, không được để xảy ra các sự cố rỏ rỉ, thẩm thấu ra môi trường”, ông Hùng nói
Ông Hùng yêu cầu huyện Sóc Sơn tổng hợp các chính sách hỗ trợ người dân, công khai minh bạch để người dân biết. Về việc tái định cư, Thành phố sẽ bảo đảm người dân đều có đất để ở. Thành phố cũng điều chỉnh chính sách hỗ trợ thêm cho bà con, ngoài hạn mức đất ở, đất nông nghiệp được hỗ trợ thêm 500.000 đồng…
“TP Hà Nội đang thanh tra hơn 178 “sổ đỏ” ở khu vực 3 xã. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ có có 3 “sổ đỏ” hợp pháp, hơn 100 “sổ đỏ” không hề có hồ sơ…Một số trường hợp nhận đền bù rồi nhưng sau kiểm tra “sổ đỏ” không đúng, Thành phố cũng chỉ yêu cầu tự khắc phục, trả lại tiền số đất không đúng”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói thêm.
Liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ di dân trong bán kính 500 m, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết khi kiểm đếm và tính toán, có một số hộ dân, tiền đền bù đất ở không đủ để nhận được suất đất tái định cư. Với các trường hợp này, Thành phố sẽ hỗ trợ để bảo đảm người dân được nhận đất tái định cư.
Ông Vương Đình Huệ - Bí Thư thành ủy TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội giải quyết, tháo gỡ nhanh nhất những kiến nghị của các nhà đầu tư. Nhấn mạnh thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công tích cực triển khai để đưa dự án nhà máy xử lý rác phát điện Nam Sơn vào hoạt động sớm nhất có thể, trước mắt là đưa vào vận hành thử trong quý I/2021./.