21 tỉnh chưa đáp ứng 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số

Nước ta đang có nhiều tỉnh, thành phố không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số khi nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh.

Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong ảnh là bản đồ các tỉnh thành miền Bắc. Ảnh: bandohanhchinh.com

Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong ảnh là bản đồ các tỉnh thành miền Bắc. Ảnh: bandohanhchinh.com

Tại Kết luận số 126-KL/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Thông tin về định hướng sắp xếp sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo tìm hiểu của PV, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ tiêu chuẩn của tỉnh.

Trong đó, tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn về dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên.

Các tỉnh còn lại có tiêu chuẩn về dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên.

Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, theo nghị quyết, phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.

Dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê tính đến năm 2024, đối với các tỉnh thành miền núi, có 8 tỉnh không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Bắc Kạn (0,3 triệu người, 4.859,96km2), Tuyên Quang (0,8 triệu người, 5.867,90km2), Lào Cai (0,8 triệu người, 6.364,00km2), Đắk Nông (0,7 triệu người, 6.509,30km2), Cao Bằng (0,5 triệu người, 6.700,30km2), Yên Bái (0,7 triệu người, 6.887,70km2), Hà Giang (gần 0,9 triệu người, 7.929,50km2), Hòa Bình (gần 0,9 triệu người, 4.591,00km2).

Đối với các tỉnh thành khác, có 13 tỉnh không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số là: Quảng Trị (0,6 triệu người, 4.739,80km2), Hậu Giang (0,8 triệu người, 1.621,80km2), Hà Nam (gần 0,9 triệu người, 860,90km2), Bạc Liêu (1 triệu người, 2.669,00km2), Ninh Bình (0,9 triệu người, 1.387,00km2), Trà Vinh (1 triệu người, 2.358,20km2), Vĩnh Long (1,1 triệu người, 1.475,km2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,2 triệu người, 1.980,8km2), Vĩnh Phúc (1,2 triệu người, 1.235,2km2), Tây Ninh (1,2 triệu người, 4.041,4km2), Sóc Trăng (1,3 triệu người, 3.311,8km2), Hưng Yên (1,3 triệu người, 930,2km2), Bến Tre (1,3 triệu người, 2.394,6km2).

Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố (57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế).

Vào tháng 4.1975, Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh (miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị).

Sau quá trình sáp nhập và chia tách, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam giữ nguyên số đơn vị hành chính gồm 63 tỉnh, thành phố.

Liên quan đến việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong văn bản gửi Bộ Công an vào cuối tháng 11-2024, Bộ Nội vụ cho hay, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ đơn thuần là căn cứ vào tiêu chí là diện tích tự nhiên và quy mô dân số mà còn phải căn cứ vào các tiêu chí khác như an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng, quốc gia, văn hóa của cộng đồng dân cư. Đặc biệt là nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có quy mô dân số lớn nhất, tương ứng là 8,5 và 10 triệu người.

Tính đến tháng 6.2024, báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, nước ta có 705 đơn vị hành chính cấp huyện (523 huyện, 46 quận, 51 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương). Cùng với đó, Việt Nam có 10.595 đơn vị hành chính cấp xã (8.192 xã, 1.784 phường, 619 thị trấn).

Theo Lao động

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/21-tinh-chua-dap-ung-2-tieu-chuan-dien-tich-va-dan-so-693764.html