22 chiến sỹ bị vùi lấp: Nơi quê nhà, mẹ già thắt ruột ngóng tin con
Từ khi nghe tin con trai gặp nạn, đêm nào cũng vậy, người mẹ già thao thức nhớ con. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má xanh xao.
Tìm về thôn Thạch Đài, xã Định Tăng, huyện Yên Định (Thanh Hóa), ngoằn ngèo qua vài con ngõ nhỏ, không khó để hỏi thăm được nhà ông bà Lê Xuân Năm (SN 1955) và Trần Thị Tươi (SN 1956) - bố mẹ đẻ của chiến sỹ Lê Đức Thiện (SN 1980).
Những ngày qua, khi nghe thông tin 22 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 bị vùi lấp, người thân, xóm làng đến động viên hỏi thăm gia đình bà Tươi và mong mỏi có một phép màu nhiệm nào đó sẽ đến với con trai Lê Đức Thiện. Nhưng khi hay tin thi thể anh Thiện được tìm thấy vào trưa 18/10 khiến ai lấy cũng đau buồn, tiếc thương.
Chị Lê Thị Thắng (43 tuổi), chị gái của anh Thiện nghẹn ngào: “Từ khi nghe tin, mẹ tôi ngất lên ngất xuống nhiều lần. Hai ông bà hằng ngày cứ trông ngóng con trai về nhưng nào đâu thấy. Em tôi nằm ở đó chắc lạnh lắm, thương em lắm!"
Theo chị Thắng, anh Thiện là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Anh Thiện là người thật thà, hiền lành, chịu khó, cố gắng làm lụng để nuôi các em ăn học. Năm 1998 nhập ngũ rồi chuyển thành quân nhân chính quy. Công tác trong ngành, anh Thiện luôn cố gắng, nỗ lực hết mình nên cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Anh Thiện vẫn chưa lập gia đình, một năm 2-3 lần về thăm nhà.
“Tôi và các em trai đã lập gia thất hết rồi nhưng còn mỗi mình Thiện là chưa. Bố mẹ tôi cũng dành dụm từng đồng từ bán lúa, bán con gà, con lợn tích góp xây được 2 gian nhà mới mong sau này Thiện lấy vợ có chỗ ở cho thoáng đãng. Ai ngờ…”, chị Thắng gạt dòng nước mắt nói.
Ngồi bên cạnh, bà Tươi nấc nghẹn: "Tháng trước nó có điện thoại về cho tôi. Hai mẹ con nói chuyện rất lâu. Nó nói tháng 9 âm này con sẽ về thăm nhà, thăm bố mẹ được mấy hôm. Nó còn nói đợt này về nhất định tìm vợ. Ai ngờ nó về thăm tôi như thế này đây. Con ơi, sao con bỏ mẹ mà đi…. Giá như nó lấy vợ, rồi sinh cháu để lại cho ông bà già này thì còn đỡ đau xót, đằng này con đi con quên cả lối về. Mấy bận trước, nó hay về thăm nhà nhưng mỗi lần về chắc nghe mẹ giục lấy vợ nên con ít về hơn. Bố mẹ thương con lắm Thiện ơi".
Ông Trịnh Đức Châu - Chủ tịch UBND xã Định Tăng cho hay: Khi nghe thông tin, chúng tôi đã cắt cử anh em có mặt tại gia đình để động viên, thăm hỏi. Bà cụ dường như bị sốc nặng. Bố đẻ của anh Thiện thính giác bị hỏng, muốn hỏi phải viết ra giấy. Theo nguyện vọng của gia đình muốn đưa thi thể anh Thiện về nhà rồi làm các thủ tục an táng tại quê nhà. Địa phương cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình đón anh Thiện về.
Cùng chung nỗi đau, tại quê nhà của gia đình anh Lê Văn Quế (SN 1971, quê quán Thôn 1, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) - là 1 trong 3 chiến sỹ tìm thấy đầu tiên trong vụ sạt lở, người thân, hàng xóm cũng đã chuẩn bị mọi công tác để lo hậu sự.
Ông Lê Văn Tám (chú ruột anh Quế) cho hay: Lúc nghe tin, bố cháu nằm một chỗ. Ông cụ năm nay cũng đã 75 tuổi, cộng thêm bệnh huyết áp cao nên trước cú sốc này, cụ rất mệt không muốn nói chuyện với ai. Hiện nay đã có em trai, ông chú và mấy người em họ hàng vào trong đó với Quế.
“Năm 1990, cháu Quế nhập ngũ và sau đó cưới vợ ở gần nhà. Năm 2002, cả hai vợ chồng con cái đều chuyển vào Quảng Trị ở. Quế là con trai đầu trong gia đình có 4 anh em (3 trai, 1 gái) nên hằng năm, ngày giỗ mẹ hay được nghỉ phép là cả gia đình cháu Quế về thăm nhà, thăm bố và anh em họ hàng. Cháu Quế là người hiền lành, chất phác nên rất được nhiều người quý mến. Khi nghe tin về cháu, chúng tôi đứng ngồi không yên, muốn chạy vào đó với cháu”, ông Tâm cho hay.
Như Báo Giao thông đưa tin, vào khoảng 1h sáng 18/10 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân Khu 4 bị vùi lấp. Ngay trong đêm, có 5 người trong vụ sạt lở đã được cứu ra an toàn. Đến 16h ngày 19/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ.