22 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam sử dụng mạng xã hội
Có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia, người học đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội.
Ngày 29/10, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” để tìm ra nguyên nhân, bàn các giải pháp ứng xử văn minh trên mạng xã hội, góp phần định hướng cho người dùng, nhất là đối với người trẻ.
22 triệu học sinh và sinh viên dùng mạng xã hội
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện báo Tiền Phong cho biết, internet tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tính đến năm 2018, số lượng người Việt Nam có sử dụng internet đạt 64 triệu người, là 1 trong 10 nước có số lượng tài khoản facebook lớn nhất thế giới.
Hiện có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên có sử dụng mạng xã hội. Mạng xã hội là ảo, nhưng tác động đang là thật đối với xã hội. Đáng lưu ý, người học đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội rất lớn.
Bên cạnh những điểm tích cực của mạng xã hội, thì nó cũng đang xuất hiện nhiều mặt trái tuyên truyền văn hóa đồi trụy, câu like, bán hàng trực tuyến…
Có rất nhiều người dùng mạng xã hội đã không đọc, không hiểu nhưng vẫn cứ bình luận, chia sẻ, bình luận…dần dần đạo đức đang bị thay đổi trên thế giới ảo, số đông quyết định nên chuẩn mực đạo đức xã hội.
Đã xuất hiện rất nhiều câu chuyện đau lòng, mà nguồn cơn của nó là bắt đầu thế giới ảo của mạng xã hội.
Phó Giáo sư Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mạng xã hội là một công cụ chia sẻ thông tin hữu ích, kết nối giữa nhà trường và sinh viên.
Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội cần biết tận dụng những lợi ích mà nó mang lại, hạn chế tối đa tiêu cực.
Những quy tắc cơ bản khi sử dụng mạng xã hội
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm – giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân nói, có 10 quy tắc cơ bản khi sử dụng mạng xã hội, trong đó, nếu không nói được điều gì lạc quan thì nên im lặng, tế nhị tôn trọng người khác, những gì bạn chia sẻ trên mạng xã hội phản ánh con người hay tính cách, lối sống của bạn.
Không nên hay không cần thiết đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội, không nên tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng, nhận diện và phải kiểm chứng thông tin khi đăng tải lên mạng xã hội, chú trọng chia sẻ những điều hay…
Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm còn lưu ý, người dùng cũng cần biết kiểm soát bản thân để không bị nghiện mạng xã hội, trong đó cần biết xác định mục tiêu khi sử dụng, tắt chế độ báo cáo của mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Luật pháp có đầy đủ các quy định, chế tài đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, bịa đặt, vu khống…
Người bị hại hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa. Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, có điều là mức xử phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho những người bị hại, nên chưa đủ sức răn đe.
Để nâng cao ý thức của người sử dụng mạng xã hội, nhất thiết phải nâng cao các chế tài xử lý. Song song đó, người dùng cũng cần ý thức, có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng, phải biết tự bảo vệ mình trước mạng xã hội.