22% vốn PG Bank được trao tay qua phương thức thỏa thuận: Ai mua, ai bán?
Dự kiến đến tháng 5/2023, Petrolimex mới hoàn tất việc chuyển nhượng 40% cổ phần PGB. Nếu không phải Petrolimex, 22,3% vốn PG Bank được sang tay qua phương thức thỏa thuận bởi nhóm nào?
Theo thống kê của VietTimes, trong 3 phiên giao dịch liên tiếp (gồm 21, 24 và 25/4), có tới 77 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 22,3% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), được sang tay qua phương thức thỏa thuận. Tổng giá trị của các giao dịch này lên tới 1.829,2 tỉ đồng.
Các giao dịch thỏa thuận ‘khủng’ nêu trên đã hướng sự quan tâm của dư luận tới những ‘tay chơi’ lớn ở nhà băng này.
PG Bank có cơ cấu cổ đông đặc biệt cô đặc. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) vừa diễn ra của PG Bank có sự tham gia của 38 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền, ‘đứng tên’ cho 94,6% cổ phần.
Petrolimex là cổ đông lớn duy nhất ‘ra mặt’ ở PG Bank, với tỷ lệ sở hữu 40% cổ phần. Cổ đông này mới bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB cho 3 tổ chức và 1 cá nhân.
Tuy nhiên, có cơ sở để khẳng định các giao dịch thỏa thuận nêu trên không liên quan tới Petrolimex.
Chia sẻ tại AGM 2023, Chủ tịch HĐQT PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết việc chuyển nhượng cổ phần của Petrolimex dự kiến tới tháng 5/2023 mới hoàn tất. Mặt khác, cho tới thời điểm này, Petrolimex vẫn chưa công bố bất kỳ giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu PGB nào.
Vậy 22,3% vốn PG Bank đã được sang tay bởi nhóm nào?
Như VietTimes đã đưa tin, có dấu hiệu cho thấy có thể có nhóm cổ đông đang sở hữu 51% cổ phần PG Bank. Nhóm này, theo ghi nhận của VietTimes, đã cử 2 đại diện tham gia AGM 2023 của PG Bank.
Sau phiên đấu giá của Petrolimex, thị trường xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) mua cổ phần PG Bank. Mục đích được cho là nhằm hoàn thiện hệ sinh thái ‘car – finance’ của vị đại gia nọ.
Tuy nhiên, chia sẻ ở ĐHĐCĐ sáng nay, Chủ tịch PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết, danh sách các nhà đầu tư trúng đấu giá lô cổ phiếu PGB của Petrolimex không có tên Thành Công Group.
Song cũng nên biết, thông thường, ở các thương vụ M&A tại Việt Nam, các bên tham gia sẽ không ra mặt trực tiếp, mà thông qua các pháp nhân được thành lập với mục đích đặc biệt (SPCs) để xử lý các nghiệp vụ.
Do vậy, vẫn cần thêm thông tin cụ thể về các bên trúng đấu giá mới có thể định vị chắc chắn về người mua phía sau, cũng như thực sự loại trừ những đồn đoán liên quan đến Thành Công Group./.