Bắc Hà: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thời gian qua, huyện Bắc Hà đã từng bước nâng cao trình độ, nhận thức của người dân về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số theo hướng thực tế, gắn với nhu cầu của người học. Từ đó, người dân đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Những năm gần đây, homestay Trà Hills của gia đình chị Lâm Thị Hành (thôn Đội 3, xã Bản Liền) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách du lịch khi đến Bắc Hà. Năm 2023, chị Hành tham gia lớp đào tạo nghề do UBND xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bắc Hà mở ngay tại xã.
“Sau khi được đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng, tôi biết được nhiều kiến thức bổ ích, phương pháp làm homestay để thu hút nhiều khách hơn. Tôi cũng cảm thấy tự tin hơn mỗi khi tiếp đón, trò chuyện với khách”, chị Lâm Thị Hành chia sẻ.
Còn tại xã Cốc Lầu, nhận thấy xu hướng sử dụng các thực phẩm sạch và an toàn ngày càng tăng, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp Kỹ thuật dạy nghề trồng nấm rơm. Trong thời gian 3 tháng, 35 hộ dân tham gia lớp học ngay tại nhà văn hóa. Với phần lý thuyết ngắn gọn, chủ yếu là thực hành từ khâu lựa chọn loại nấm, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đến khi thu hoạch nấm rơm cho đúng quy trình… nên bà con rất phấn khởi, đi học đầy đủ.
Ông Lý Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu cho biết: 100% người dân tham gia các lớp đào tạo nghề là người dân tộc thiểu số. Dù khả năng nhận thức hạn chế nhưng với hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, lấy dẫn chứng là vật nuôi, cây trồng tại địa phương thì bà con đã hiểu, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nghề.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở 6 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, bao gồm các lớp: Trồng và chăm sóc quế tại Bảo Nhai; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn theo hướng an toàn sinh học tại xã Bản Liền; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả ôn đới tại xã Tả Van Chư; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại xã Nậm Khánh; kỹ thuật trồng nấm rơm tại xã Nậm Đét; kỹ thuật trồng nấm rơm tại xã Cốc Lầu. Qua đó, 210 lao động nông thôn được cấp chứng chỉ đào tạo nghề.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện Bắc Hà đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể ở địa phương đối với công tác dạy nghề. Đồng thời, đổi mới chương trình dạy nghề, điều tra, rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề phù hợp.
100% học viên tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Các nghề đào tạo chủ yếu gồm: kỹ thuật xây dựng; du lịch cộng đồng; trồng cây ăn quả ôn đới; nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm...
Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà.
Là huyện 30a nhưng những năm gần đây, Bắc Hà có nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đạt 45,3 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, huyện cũng hình thành một số sản phẩm kinh tế chủ lực, như du lịch cộng đồng, sản xuất chè hữu cơ, trồng cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề truyền thống…
Có được kết quả trên, có đóng góp quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, 60% lao động của huyện đã qua đào tạo, tỷ lệ lao động được cấp chứng chỉ nghề chiếm 36%.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phù hợp với nhu cầu thực tế của người học là cách làm của huyện Bắc Hà giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện phát huy được kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ lao động, sản xuất đồng thời đề cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo trong mỗi người.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bac-ha-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-post393421.html