24 con thỏ hủy hoại nền kinh tế Australia

Khi 24 con thỏ Anh được đem đến Australia như món quà Giáng sinh vào năm 1859, không ai ngờ đây là khởi nguồn của 'cuộc xâm lược sinh học tàn khốc nhất trong lịch sử Australia'.

Thỏ hoang không có nguồn gốc từ Australia mà là loài du nhập, được đem tới đây vào thế kỷ XIX. Ban đầu, chúng vốn được coi là loài động vật dễ thương và có phần yếu thế trong mắt người bản địa. Nhưng nhiều năm sau đó, họ đã nhận ra ý nghĩ này sai lầm đến mức nào.

Nông dân Australia cho biết loài động vật sinh sôi nhanh chóng này đã phá hủy mùa màng cùng đất đai của họ, dẫn đến xói mòn đất trên diện rộng và các vấn đề môi trường khác.

“Các cuộc xâm lược sinh học là nguyên nhân chính gây ra sự gián đoạn về môi trường và kinh tế”, theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. "(Và) sự xâm chiếm Australia của loài thỏ châu Âu là một trong những cuộc xâm lược sinh học mang tính biểu tượng và tàn khốc nhất trong lịch sử được ghi lại".

 Một đàn thỏ hoang dã ở Australia. Ảnh: Shutterstock.

Một đàn thỏ hoang dã ở Australia. Ảnh: Shutterstock.

Truy tìm nguồn gốc

Từ những tài liệu lịch sử cùng bằng chứng di truyền, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra “cuộc xâm lược” này có liên quan đến loài thỏ Anh được một người Anh di cư tới Australia tên Thomas Austin mang tới vào năm 1859.

Theo ghi chép, ông Austin chỉ mang tới 24 con thỏ trong khu đất rộng lớn ở Melbourne của mình nhằm phục vụ cho thú vui săn bắn. Nhưng trong vòng ba năm, loài động vật đã nhân lên hàng nghìn con và tiếp tục sinh sản, các nhà nghiên cứu lưu ý.

Trên thực tế, Austin không phải là người đầu tiên đưa thỏ đến Australia. 5 con thỏ cũng từng có mặt trên hạm đội đệ nhất của Hải quân Anh và đến Sydney vào năm 1788. Trong 70 năm tiếp theo, ít nhất 90 lần khác thỏ cũng đã được đưa đến Australia.

"Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù từng được biết đến nhiều trên khắp Australia, lứa thỏ Anh duy nhất (mà ông Austin mang đến) lại là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc xâm lược sinh học tàn khốc", ông Joel Alves, một nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) cho biết.

Báo cáo cũng kết luận rằng gần như tất cả 200 triệu con thỏ hoang tại Australia có thể có nguồn gốc từ chuyến hàng định mệnh vào năm 1859.

“Những tác động của nó vẫn còn được thấy cho đến ngày nay”, ông nói thêm. "Sự kiện đơn lẻ đó đã gây ra thảm họa to lớn ở Australia".

 Thỏ hoang không có nguồn gốc từ Australia mà là loài du nhập, được đem tới đây vào thế kỷ XIX. Ảnh: ABC News.

Thỏ hoang không có nguồn gốc từ Australia mà là loài du nhập, được đem tới đây vào thế kỷ XIX. Ảnh: ABC News.

Sự xâm lược của loài thỏ

Theo các nhà khoa học, chính cấu tạo gene của đàn thỏ hoang dã nhỏ đã dẫn đến “một trong những cuộc xâm lược sinh học mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại”.

Họ đã nghiên cứu cách đàn thỏ Anh đã có thể tồn tại và phát triển trong vùng hoang dã khắc nghiệt của Australia.

Phân tích di truyền cho thấy rằng không giống những con thỏ được mang đến trước đó có đặc điểm của thỏ nhà như "sự thuần hóa, đôi tai mềm mại và bộ lông màu sắc lạ mắt", những con thỏ có nguồn gốc từ đàn thỏ của ông Austin có tổ tiên hoang dã.

Điều này giúp chúng có lợi thế và nhanh chóng thích nghi ở vùng đất mới.

"Những con đến đây không có bệnh tật. Có tương đối ít động vật ăn thịt nên những con vật đó phát triển mạnh và đến mức Australia được mô tả là có một tấm chăn màu xám. Tấm chăn ở đây chỉ bộ lông xám của thỏ”, theo đồng tác giả nghiên cứu Mike Letnic của Đại học New South Wales.

Loài thỏ này sau đó đã "điên cuồng" xâm chiếm hết không gian sống của các loài động vật bản địa như chuột túi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Chúng ăn vỏ cây, lá non, đào hang sâu để ăn rễ cây. Hầu hết thực vật không thể sống sót vì sự tàn phá này. Ông Letnic cho biết chúng cũng làm suy thoái đất trên diện rộng.

Việc thỏ đào hang đã dẫn đến hàng loạt đồng cỏ và trang trại bị phá hủy. Gia súc và cừu bị mắc kẹt trong các hố sụt và việc canh tác nông nghiệp gặp khó khăn.

 Nông dân Australia cho biết thỏ sinh sôi nhanh chóng và phá hủy mùa màng cùng đất đai của họ. Ảnh: iStockphoto.

Nông dân Australia cho biết thỏ sinh sôi nhanh chóng và phá hủy mùa màng cùng đất đai của họ. Ảnh: iStockphoto.

Bệnh dịch ở thỏ sau đó đã xảy ra nhiều lần trên khắp các vùng của Australia trong nhiều thập kỷ, nhưng cho đến nay, châu lục này vẫn đang phải vật lộn với số lượng thỏ hoang dã lớn.

Các nhà nghiên cứu cho biết báo cáo mới về “cuộc xâm lược sinh học" của thỏ cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì an toàn sinh học nghiêm ngặt ở Australia.

“Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng vì các cuộc xâm lược sinh học là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học toàn cầu và nếu bạn muốn ngăn chặn chúng, trước hết bạn cần hiểu điều gì khiến chúng thành công”, các nhà nghiên cứu cho biết.

"(Sự kiện) đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng hành động của chỉ một cá nhân, hoặc một vài người cũng có thể gây ra tác động tàn phá môi trường", họ nhấn mạnh.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/24-con-tho-huy-hoai-nen-kinh-te-australia-post1348823.html