25% hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp khó trong tiếp cận vốn
Theo ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), hiện có tới 25% hội viên của hiệp hội đang gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.
Khó khăn đang “bủa vây” các doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”, sáng 25/7, ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng qua là 100 nghìn doanh nghiệp (bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước).
Nhìn vào các con số trên có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái là khá lớn.
“Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 36,2-43,2% đánh giá tình hình ổn định và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm.
Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang “bủa vây” các doanh nghiệp, nhất là DNNVV do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh”, ông Thân nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu, ông Thân cho biết, có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế, nhằm trụ vững doanh nghiệp trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III/2023.
Thực thi hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, mặc dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chi tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Ngoài các tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó các doanh nghiệp chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính…
Để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, theo ông Thân, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.
Về chiến lược lâu dài, Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật hỗ trợ DNNVV 2017 theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào 30% các dự án đầu tư công.
“Cần tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi giá trị. Cải tổ các quỹ bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay”, ông Thân khuyến nghị.
Các doanh nghiệp cần nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh, minh bạch tài chính. Khi các ngân hàng yên tâm về "sức khỏe" của doanh nghiệp thì ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.
Trước mắt, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn ngắn hạn thông qua giải pháp tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Chính sách tài khóa cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc.
“Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Để DNNVV tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán”, ông Thân nói.