25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ: Hợp tác kinh tế - điểm sáng trong quan hệ hai nước
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là lĩnh vực có những bước phát triển vượt bậc, vừa là trọng tâm, vừa là động lực phát triển quan hệ tổng thể Việt Nam-Hoa Kỳ.
Sản xuất ô tô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn ô tô Ford của Hoa Kỳ và Công ty Diesel Sông Công)Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12.7.1995, sau 25 năm, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là lĩnh vực có những bước phát triển vượt bậc, vừa là trọng tâm, vừa là động lực phát triển quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Hợp tác thương mại tăng trưởng vượt bậc
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng vượt bậc với những con số ấn tượng, đặc biệt là từ sau khi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA) được ký và có hiệu lực từ ngày 10-12-2001.
Nếu như 1995 đến năm 2000 kim ngạch thương mại Việt-Mỹ chỉ tăng từ 450 triệu USD lên 1,09 tỷ USD thì từ khi có BTA đến nay con số này đã tăng lên nhanh chóng, bình quân 20%/năm: năm 2005 là 6,75 tỷ USD, năm 2010 là 18,10 tỷ USD, năm 2015 đạt 41,28 tỷ USD, năm 2019 đạt 75,72 tỷ USD, gấp 75 lần năm 2000. Năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ.
Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ là tính bổ trợ cho nhau. Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử... Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ và ngành dệt may của Việt Nam, chiếm trên 40% giá trị xuất khẩu gỗ và xấp xỉ 40% giá trị xuất khẩu dệt may hàng năm. Ước tính, mỗi năm Hoa Kỳ nhập khẩu tới 60 tỷ USD sản phẩm đồ gỗ và nội thất.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra, đóng góp khoảng 17-18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến xuất khẩu tôm ở hầu hết thị trường đều giảm, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 224,5 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Về nông sản, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 2 thế giới chỉ sau EU, trong khi Việt Nam đứng thứ 2 về sản lượng sản xuất cà phê. Việt Nam đang nắm giữ khoảng 15% tổng giá trị nhập khẩu cà phê hàng năm của Hoa Kỳ, tuy nhiên tỷ lệ này có thể cao hơn nữa nếu doanh nghiệp biết nắm bắt xu hướng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, thương mại hàng hóa giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Với quy mô thị trường lớn, sức tiêu thụ mạnh, Hoa Kỳ được xác định tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài các mặt hàng đã có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng và các loại nông sản.
Mặc dù tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cần nghiên cứu kỹ các yếu tố thị hiếu khách hàng, tính phù hợp, giá cả và khả năng cạnh tranh với các đối thủ để quyết định phương thức xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp cho phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc cũng như xác định chính xác mã hàng hóa để giảm thiểu các rủi ro không đáng có.
Một trong những nhà đầu tư chất lượng
Hoa Kỳ chưa nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam nhưng được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có chất lượng. Với nhiều dự án có giá trị cao, các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ đã tích cực hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tham gia đóng góp nhiều hoạt động xã hội.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2019, Hoa Kỳ có gần 1.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD. Dù số dự án đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khá ít so với các quốc gia khác nhưng quy mô vốn trên mỗi dự án thường lớn hơn. Theo ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ còn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua nước thứ 3 như Singapore và một số nước châu Âu… Do đó, nếu xét đầu tư trực tiếp, dù Hoa Kỳ chưa nằm trong nhóm 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam nhưng nếu tính tổng vốn đầu tư thì Hoa Kỳ có thể xếp thứ 6 hoặc thứ 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Hoa Kỳ đã đầu tư vào 17/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Hoa Kỳ, như: Citigroup, American Group, Intel, Chevron, Ford, Starwood Hotel, AIA, Dickerson Knight Group, Coca Cola, Pepsi Cola, KFC… đã có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam. Một trong những doanh nghiệp đầu tư sớm nhất ngay khi Việt Nam-Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao là Cargill - tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và trở thành nhà sản xuất, phân phối thức ăn chăn nuôi, thủy sản lớn nhất tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngành công nghệ Việt Nam cũng thu hút không ít nhà đầu tư Hoa Kỳ, trong đó phải kể đến dự đầu tư xây dựng nhà máy Intel Product Vietnam (IPV) của Tập đoàn Intel vào Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh năm 2006. Đây được xem là cột mốc ấn tượng trong hợp tác đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong 25 năm qua với giá trị đầu tư của giai đoạn 1 hơn 1 tỷ USD. Hiện IPV đang có kế hoạch mở rộng đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 với số vốn khoảng 1 tỷ USD. Nối tiếp IPV, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Hoa Kỳ như JABIL, GES, Rockwell Automation cũng lần lượt đầu tư vào Việt Nam
Việc thu hút doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới, xây dựng hình ảnh của một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.
Phát biểu tại buổi tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ và Triển lãm trách nhiệm xã hội do Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC) tổ chức tối 4-3-2020, tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel KritenBrink bày tỏ sự tin tưởng vào quan hệ thương mại và đầu tư song phương và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này trong thời gian tới. Đại sứ Daniel KritenBrink nhấn mạnh, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã duy trì tốt đẹp trong suốt 25 năm qua và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những con số về đầu tư thương mại giữa hai nước tăng dần qua từng năm là một minh chứng rõ nét cho sự phát triển hợp tác của hai nước. Mặc dù hiện tại các doanh nghiệp đều gặp nhiều khó khăn do dịch COVID -19 nhưng các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn bày tỏ lạc quan vào triển vọng tương lai tại Việt Nam.