25 tuổi, 1 phút giây sai lầm khiến cả gia đình tôi lao đao

Với một công việc ổn định, thu nhập đầy triển vọng, ai cũng nghĩ mình còn rất nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống thảnh thơi, êm ấm.

Mùa thu năm ấy, tôi gọi điện cho bố để xin “tiếp tế” như mọi khi. Dù đã trưởng thành và có công việc riêng nhưng tôi vẫn giữ thói quen này. Ông cũng không nói không rằng đã nhanh chóng chuyển 1.500 NDT làm sinh hoạt phí cho con.

Tôi không hề biết rằng, vào chính tối ngày hôm ấy, bố đã bị tai nạn nhập viện. Mẹ sợ tôi và chị đều đang làm việc trên thành phố lo lắng nên giấu nhẹm.

Tới 7 giờ sáng hôm sau, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của dì hai. Dì hỏi gia đình có gặp vấn đề gì không, tại sao mẹ tôi lại lén lút vay tiền của dì.

Sau cuộc nói chuyện với dì, tôi dần nhận ra có điều gì đó không ổn nên đã gọi điện cho mẹ. Bà có tâm trạng rất xấu, giọng nghe có vẻ như đang khóc. Thấy tôi gặng hỏi liên tục, bà mới nói sự thật cho tôi biết.

Chỉ mới nghe đến đó, tôi đã không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Tay tôi bắt đầu run lên, cổ họng nghẹn lại.

Ảnh minh họa

Tôi lập tức xin nghỉ và mua vé tàu cao tốc về nhà. Trên đường về, tôi gọi điện cho dì hai, nhờ dì ở gần đó thì vào viện theo dõi tình trạng của bố mẹ. Tôi cũng báo dì rằng mình đang trên đường về.

Khi về đến nhà, tôi mới nhận ra mình còn chưa hỏi địa chỉ bệnh viện. Thế là tôi vội gọi điện cho mẹ để hỏi. Tôi cố gắng kiềm chế cảm xúc và bình tĩnh nhất có thể, không để giọng mình run rẩy, tránh làm cảm xúc của mẹ tệ thêm.

Khi tôi đến bệnh viện vào buổi tối, dì nhanh chóng ra đón, rồi dẫn tôi đến khu dịch vụ để mua cháo và một hộp sữa cho bố tôi.

Trên đường tới đây, tôi không ngừng tự nhủ bản thân không được suy sụp, bây giờ phải mạnh mẽ lên để trở thành chỗ dựa cho cả nhà. Thế nhưng, tay tôi vẫn không ngừng run lên.

May mắn là bố tôi đã qua cơn nguy kịch và có thể nói chuyện, ông cảm ơn dì trước rồi nắm lấy tay tôi. Trước khi bản thân bật khóc, tôi lập tức cúi đầu, rồi dùng giọng điệu nhẹ nhàng hết sức có thể để nói với bố rằng: “Có con ở đây rồi, bố mẹ khỏi lo gì hết.”

Tối hôm đó, sau khi để mẹ đi ngủ trước, tôi lấy một chiếc ghế dài và ngồi cạnh bố để trông chừng. Không lâu sau, bố tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ và ngáy khe khẽ, tôi bất chợt nảy ra suy nghĩ rằng: “Chỉ riêng việc nghe thấy tiếng ngáy của ông hóa ra cũng là một niềm hạnh phúc.”

Mấy ngày sau đó, tôi dành đủ thời gian ở bên bố. Trên đầu ông phải khâu hàng chục mũi, bị thương ở xương sườn, đứng dậy rất khó khăn, cử động thôi cũng đau đớn. Chứng kiến những điều đó, tôi chỉ có thể không ngừng làm hết mọi việc vặt, chủ động đi căn tin mỗi ngày để lấy thức ăn, giặt giũ quần áo và trò chuyện với bố.

May mắn thay, bố tôi đã hồi phục rất tốt. Sau một thời gian, vết thương đỡ hơn, ông có thể tự ăn, đứng dậy và đi lại từ từ. Điều quan trọng là tinh thần của ông vẫn lạc quan và mạnh mẽ.

Con người luôn sợ hãi trước những điều không biết. Khi không biết tình trạng của bố nghiêm trọng như thế nào, tôi đã rất sợ hãi, sợ rằng ông ấy sẽ rời xa chúng tôi. Đến hiện tại, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ: “Chỉ cần ông còn sống là may mắn lắm rồi.”

Trong thời gian bố nằm viện, chị tôi cũng biết chuyện. Đến nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in cuộc gọi đó của chị.

“Bố vẫn luôn là trụ cột gia đình mình. Ngày ngày bố lái xe tải, mẹ thì theo xe, nhưng với tình trạng hiện giờ, có lẽ vài tháng nữa, gia đình cũng không còn nguồn thu nhập chính. Chị tiết kiệm được ít tiền, giờ chị gửi cho em, chịu khó cân đo đong đếm, chi tiêu cho bố mẹ. Nếu không đủ thì gọi lại cho chị, để chị tìm cách 'xoay' thêm, biết chưa?”

Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ tiết kiệm tiền. Lúc nào tôi cũng nghĩ, mình còn trẻ, tương lai còn dài, nhưng lần này tôi biết mình thực sự sai rồi. Trải qua những biến cố đột ngột, tôi thực sự biết tầm quan trọng của tiền.

Trên đường trở lại thành phố, tôi bị trúng gió rồi phát sốt. Giữa đêm, tôi đi tìm mua bằng được thuốc hạ sốt, chỉ mong sáng hôm sau sẽ khỏi bệnh luôn để quay trở lại làm việc và kiếm tiền.

Ai cũng từng có lúc ngây thơ cho rằng, bản thân còn tương lai rất dài, không cần vội vã tiết kiệm. (Ảnh minh họa)

Càng sống lâu, càng tồn tại trên cõi đời này, chúng ta càng có nhiều áp lực và trói buộc, vai càng nặng như núi như biển. Cuộc sống hầu hết là như vậy.

Khi người thân đột nhiên bị bệnh nặng và đang nằm trong ICU, cần tiền để bắt đầu điều trị.

Khi công việc đột nhiên mất đi, bạn không còn thu nhập, không có tiền để ăn mặc, để sống sót và càng không có tiền để tận hưởng.

Khi có một cơ hội rất tốt trước mắt và bạn cần hỗ trợ tài chính, nhưng bạn lại để tuột mất cơ hội chỉ vì không có tiền.

Khi cần hoàn thành những sự kiện trọng đại của cuộc đời, chẳng hạn như kết hôn, sinh con, bạn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ đã không còn trẻ nữa, số tiền này có thể là của để dành cả đời của họ.

Khi đối mặt với những điều đó, bạn sẽ không còn tự hỏi, tại sao mình phải nhịn ăn nhịn mặc để tiết kiệm nữa.

May mắn thay, ngay từ vài năm trước, tôi đã hiểu ra sự thật này. Hãy luôn giữ một quỹ khẩn cấp trong tay bất kể thời điểm nào trong đời.

(Chia sẻ của anh Vương, sử dụng bút danh Wangkaka, đăng tải trên diễn đàn Zhihu, Trung Quốc)

Nguồn: Zhihu

Phương Thùy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/25-tuoi-1-phut-giay-sai-lam-khien-ca-gia-dinh-toi-lao-dao-20230321184812163.htm