25 tỷ USD vốn ngoại chảy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc vì kinh tế gây thất vọng
Xu hướng bán tháo mạnh mẽ những tháng gần đây đang đưa khối ngoại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tiến tới hoàn tất năm mua ròng ít nhất kể từ 2015...
Hơn 3/4 số vốn mà nhà đầu tư nước ngoài rót ròng vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã bị rút khỏi nước này, khi khối ngoại bán ròng hơn 25 tỷ USD chứng khoán Trung Quốc từ tháng 8 đến nay, bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh nhằm vực dậy niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - theo tờ Financial Times.
Xu hướng bán tháo mạnh mẽ những tháng gần đây đang đưa khối ngoại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tiến tới hoàn tất năm mua ròng ít nhất kể từ 2015 - năm tròn đầu tiên của kết nối thị trường chứng khoán giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Các nhà giao dịch và giới phân tích nói rằng việc Chính phủ Trung Quốc không đưa ra được một chương trình hỗ trợ chính sách đủ mạnh đã khiến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dừng mua, để chờ cho tới khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khởi sắc tới mức để thị trường chứng khoán nước này cạnh tranh được với các thị trường khác trong khu vực.
“Thị trường Nhật Bản đang tăng mạnh. Các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan cũng vậy. Đó là một vấn đề đối với thị trường Trung Quốc. Suy nghĩ ở thời điểm này là: ‘Tôi không cần mua ở thị trường Trung Quốc, và nếu có mua rồi thì cắt giảm danh mục đầu tư ở đó’”, một nhà giao dịch thuộc một ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông phát biểu.
Nhà đầu tư nước ngoài đã khởi động năm 2023 bằng việc mua chứng khoán Trung Quốc với tốc độ kỷ lục hồi tháng 1, dựa trên kỳ vọng rằng nền kinh tế nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi chính sách Zero-Covid được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài đã buộc phải cắt giảm trạng thái nắm giữ chứng khoán Trung Quốc trong những tháng gần đây trong bối cảnh những mối lo ngại ngày càng lớn về cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường bất động sản và các số liệu thống kê gây thất vọng về tình hình tăng trưởng kinh tế nước này.
Sau khi đạt đỉnh ở mức 235 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 33 tỷ USD, vào đầu tháng 8 nhờ cam kết của Bắc Kinh về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp hỗ trợ kinh tế, mức mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã giảm 77%, còn 54,7 tỷ nhân dân tệ - theo tính toán của Financial Times dựa trên số liệu từ Trung tâm Kết nối chứng khoán Hồng Kông.
Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty nghiên cứu và đầu tư bất động sản Jones Lang LaSalle, ông Bruce Pang, nói rằng việc nhà chức trách Trung Quốc liên tục đưa ra cam kết về tăng cường hỗ trợ cho các chủ đầu tư bất động sản tư nhân gặp khó đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
“Quý nào năm nay họ cũng đưa ra những lời hứa tương tự. Nhưng số liệu mới nhất của thị trường bất động sản cho thấy vẫn cần phải có thêm sự hỗ trợ để mang lại một sự phục hồi bền vững cho thị trường bất động sản”, ông Pang nói.
Việc khối ngoại bán ròng gần đây đã khiến chỉ số CSI 300 của cổ phiếu blue-chip niêm yết trên hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến giảm hơn 11% từ đầu năm đến nay, so với mức tăng 8-10% của các chỉ số chủ chốt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Năm nay, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mua ròng tương ứng 12,3 tỷ USD và 6,4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Ấn Độ và Hàn Quốc, theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs. Lực mua của khối ngoại đang đưa thị trường chứng khoán Seoul tiến tới hoàn tất năm mua ròng đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2019.
Các chiến lược gia ở Phố Wall dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ khởi sắc trong năm 2024, nhưng mức tăng trưởng được kỳ vọng là không đồng nhất.
Trong một báo cáo gần đây, Goldman Sachs dự báo CSI 300 kết thúc năm 2024 ở mức cao hơn khoảng 17% so với mức điểm hiện tại, nhờ lợi nhuận và giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết tăng lên.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo chứng khoán Trung Quốc tăng 7,5% trong 12 tháng tới, đồng thời cảnh báo rằng “chúng tôi không loại trừ khả năng tiếp tục có sự giảm phân bổ vốn vào Trung Quốc và sự dịch chuyển đầu tư mang tính cơ cấu khỏi Trung Quốc” nếu Bắc Kinh không tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ tăng trưởng.
“Điều gì thuyết phục một nhà quản lý danh mục điều hành một quỹ đầu tư 1 tỷ USD dành 10% số này cho Trung Quốc. Câu trả lời là những con số tươm tất về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Nếu không có được những con số như vậy, nhà đầu tư sẽ không rót tiền”, nhà giao dịch chứng khoán ở Hồng Kông nhấn mạnh.