28 năm lặng thầm làm 'gác chắn'
28 năm qua, mỗi khi sắp có tàu chạy qua, ông Kiều Văn Phúc (SN 1960) ở ngõ 225, tổ dân phố số 8, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) lại có mặt tại khu vực đường dân sinh gần nhà, miệng thổi còi, tay phất cờ cảnh báo nguy hiểm để người dân biết. Chừng ấy thời gian lặng thầm làm 'gác chắn', ông Phúc không nhớ nổi đã cứu mạng bao nhiêu người.
Chết hụt vì cứu người
Tôi gặp ông Phúc, đúng lúc ông vừa gác tàu trở về nhà. Chiếc mũ cối, còi và 2 cờ màu đỏ, vàng vẫn đặt trên ghế. Mái tóc điểm nhiều sợi bạc cùng nước da ngăm đen dạn dày sương gió nên nhìn ông già hơn so với tuổi. Được biết, ông từng tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc, là lính thông tin khi 18 tuổi. Sau 4 năm phục vụ quân ngũ, ông trở về địa phương, từng làm tổ phó rồi Chi hội phó Chi hội CCB tổ dân phố.
Gần nhà ông ở có đường dân sinh cắt ngang qua đường sắt luôn đông đúc, tấp nập người qua lại, nhất là giờ cao điểm, trong đó có nhiều học sinh song khu vực này không có rào chắn, nhân viên hướng dẫn nên rất nguy hiểm. Các vụ tai nạn thường xảy ra từ 6 đến 7 giờ và từ 17 đến 19 giờ hằng ngày, thời điểm mật độ người và phương tiện qua lại đông. Bản thân ông Phúc từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cung đường.
Ông từng lôi những nạn nhân xấu số mắc kẹt ra khỏi gầm tàu. Những vụ tai nạn thảm khốc đó cứ ám ảnh tâm trí và thôi thúc ông tình nguyện làm "gác chắn" bảo vệ tính mạng người dân khi đi qua khu vực này. “Bố mẹ đặt tên cho tôi là Phúc nên tôi cũng muốn làm việc gì có ích, tạo phúc để đời. Vì thế, tôi tự nguyện làm việc này dù thời điểm đầu những năm 1990, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, thiếu thốn”, ông Phúc tâm sự.
Sống cạnh đường tàu từ nhỏ nên ông Phúc nắm rõ giờ chạy của từng chuyến tàu. Hễ chuẩn bị tàu qua là ông lại có mặt gần đường ray để hướng dẫn người qua đường. Thời điểm phương tiện giao thông chưa phát triển như bây giờ, mỗi ngày có khoảng 10 chuyến tàu qua, lại; nay còn 5 đến 6 chuyến/ngày. Gần 30 năm tình nguyện làm công việc gác tàu, ông Phúc không thể nhớ mình đã cứu bao nhiêu người thoát chết trong gang tấc.
Ông kể: "Cách đây khoảng 10 năm, một người đàn ông 50 tuổi, ở quận Hà Đông (Hà Nội) đi qua đường ray. Lúc ấy, tàu hỏa đã đến rất gần, mặc dù tôi hét lớn để cảnh báo dừng lại song người đàn ông không nghe thấy vẫn băng qua đường sắt. Không biết sức mạnh từ đâu, tôi lao mình về hướng người đàn ông lấy hết sức đẩy thật mạnh ông ấy vọt qua đường ray thoát khỏi lưỡi hái tử thần còn mình cũng ngã văng xuống rãnh nước.
Đúng lúc ấy đoàn tàu lao qua. Mọi người hô hoán, đổ xô đến và thấy cả 2 người vẫn sống, chỉ bị choáng và bị thương ở tay chân. Đến bây giờ, người đàn ông bị nạn ấy vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm, coi tôi như ân nhân".
Anh Triệu Ngọc (SN 1972), chủ gara ô tô Minh Tâm, đường Nguyễn Thị Lưu, gần cầu vượt Minh Khai (TP Bắc Giang) cũng là trường hợp may mắn được ông Phúc cứu sống. Anh Ngọc nhớ lại vụ việc xảy ra khoảng 2 năm trước: "Gần 7 giờ tối, tôi ngồi sau xe máy cô em họ, đi qua đoạn đường dân sinh gần nhà ông Phúc. Vì trời tối, lại đội mũ bảo hiểm, chúng tôi không biết có tàu đang tới.
Lúc đó, tôi thấy một người đàn ông lao tới giữ chặt tay lái, không để xe lao sang đường ray, đúng lúc đoàn tàu vừa lao đến. Hai anh em sợ hãi, tim đập thình thịch, lúc sau mới "hoàn hồn" cảm ơn rối rít người đã cứu sống mình. Ông Phúc đã cho chúng tôi được sống lần hai. Thỉnh thoảng, rảnh rỗi, tôi thường ghé qua thăm ông, coi ông như người thân", anh Ngọc nói.
Làm việc thiện giúp đời
Dù “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” song vợ, con ông rất ủng hộ việc ông làm. Bà Đỗ Thị Vinh, vợ ông bộc bạch: “Những lúc ông bận, tàu về, tôi và các con thay ông chạy ra gác giúp. Cứ làm việc thiện giúp đời là gia đình tôi cảm thấy vui, hạnh phúc”. Nhiều khi đang nấu nướng ở quán gần đó, nghe tiếng còi tàu rú lên từ xa, ông bỏ cả việc chạy ra đường. Không ít lần món ăn ông nướng dở trên bếp than bị cháy đen xì, khét lẹt phải bỏ đi. Ngày Tết, có những hôm vừa bưng bát cơm lên thì đến giờ tàu chạy qua, ông chạy vội ra đường ray để hướng dẫn, hỗ trợ người dân qua lại sao cho an toàn. Do ngày nào cũng có tàu chạy nên ông hiếm khi đi đâu xa.
Ở khu vực Bến xe khách Bắc Giang (đối diện ngõ 225 nơi ông ở), bao năm nay, từ bà bán nước, anh xe ôm tới người lái taxi đều biết ông Phúc. Ngày lễ, tết, nắng, mưa, người dân ở quanh khu phố luôn thấy hình ảnh ông đội mũ cối, cầm còi, tay phất cờ, hướng dẫn người qua đường. Nhiều phụ huynh biết ơn ông, nhờ có ông mà con em họ được an toàn khi đi học qua đây; có người tặng ông quần áo bảo hộ để chống nắng. Nhận những tình cảm yêu thương, trân trọng đó trong lòng ông cảm thấy ấm áp.
Từ khi ông Phúc tình nguyện làm gác chắn, tai nạn ở khu vực này giảm nhiều so với trước, ý thức của người dân khi qua đây đã được nâng lên; đặc biệt là không xảy ra tai nạn chết người. Việc làm của ông góp phần mang lại sự bình yên, an toàn cho hàng nghìn chuyến tàu, hành khách và người qua đường. Điều ông Phúc mong mỏi nhất đó là về lâu dài khu vực này sẽ sớm có một gác chắn tự động bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại.
Ông Lưu Quang Sơn, Chủ tịch UBND phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) cho biết: "Đường sắt chạy qua địa bàn phường dài khoảng 1 km, có 6 đường dân sinh cắt ngang qua, trong đó, 4 điểm giao cắt chưa được bố trí gác chắn. Khu vực đường dân sinh ngõ 225 trước đây số lượng người và phương tiện qua lại rất lớn. Từ ngày cầu vượt Minh Khai được xây dựng vắt qua đường Xương Giang, mật độ, lưu lượng đi qua đây giảm nhiều song vẫn khá đông, nhất là học sinh vào giờ cao điểm".
UBND phường đã nhiều lần đề nghị ngành chức năng làm gác chắn ở những điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông song chưa được giải quyết. Cách đây 2 năm, UBND phường Ngô Quyền ký hợp đồng cảnh giới đường sắt với ông Phúc, đồng thời hỗ trợ ông 2 triệu đồng mỗi tháng.
Số tiền chẳng thấm gì so với công sức ông bỏ ra nhưng thể hiện sự quan tâm, khích lệ động viên của chính quyền địa phương đối với những người tình nguyện làm việc thiện như ông Phúc.
Cặm cụi sớm khuya làm hàng ăn sáng cùng vợ, có thời điểm kinh tế rất khó khăn, nhất là khi các con còn nhỏ song nhờ chịu khó, chắt chiu dành dụm vợ chồng ông đã làm được căn hộ mái bằng, thay thế gian nhà cấp 4 cũ, đồng thời nuôi dạy 2 con khôn lớn, trưởng thành. Các con ông lần lượt tốt nghiệp đại học, hiện đều có công việc ổn định.
Tết Nhâm Dần đang đến gần khiến nhịp sống thêm hối hả. Những chuyến tàu chở hàng ngược, xuôi cũng nhiều hơn so với trước, đồng nghĩa sự xuất hiện của ông Phúc tại nơi giao cắt này cũng thường xuyên, liên tục hơn. Như “con ong làm mật cho đời”, ông Phúc vẫn lặng thầm gắn bó với công việc để bảo vệ những chuyến tàu, người qua đường được an toàn, để mọi người, mọi nhà bình an, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Công Doanh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/375605/28-nam-lang-tham-lam-gac-chan-.html