285 mô hình nông nghiệp chuyển đổi số hiệu quả cao

Hà Nội đã xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; giá trị sản phẩm chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Tiên phong thực hiện quy trình Egap.vn vào trồng rau, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. 100% sản phẩm của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất… Nhờ đó, nguồn rau của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, sản lượng khoảng 3 tấn/ngày.

Ông Hoàng Văn Khảm, HTX rau quả sạch Chúc Sơn, cho biết tất cả các dữ liệu từ lúc làm đất đến lúc gieo hạt, thu hoạch đều qua hệ thống phần mềm kết nối thông minh về máy chủ, nhờ vậy, đơn vị quản lý được tất cả đầu mối trong sản xuất, từ việc gieo ngày nào, bón phân ngày nào...

Trong thời kỳ công nghệ số bùng nổ, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong thời kỳ công nghệ số bùng nổ, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp được xem là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên trong công cuộc chuyển đổi số. Dù hiện tại quá trình này đã đạt những thành tựu nhất định, song vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như giải pháp số hóa công tác kiểm kê khí nhà kính.

Ông Vũ Minh Quang, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp - FPT IS, Tập đoàn FPT, cho biết Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ về việc giảm khí thải với mục tiêu net zero vào năm 2050. Ngành nông nghiệp là một trong những ngành đi đầu.

"Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là phải chia mục tiêu đấy từ tầm quốc gia xuống đến địa phương, từng doanh nghiệp một làm sao đo đếm được khí nhà kính một cách chính xác nhất và theo đúng chuẩn mực quốc tế. Quan trọng hơn là theo tiêu chuẩn của các thị trường đầu ra của mình. Bình thường, công việc đó rất tốn kém, nhưng với công nghệ FPT, hi vọng các doanh nghiệp mất ít công sức hơn, ít chi phí hơn, ra được báo cáo chính xác hơn trong việc kiểm kê khí nhà kính", ông Quang nói.

Việc đo đếm khí nhà kính không chỉ nhằm phục vụ mục tiêu giảm phát thải mà quan trọng hơn là tạo cho hàng hóa của Việt Nam có cơ hội vào được các chuỗi cung ứng xanh của thế giới.

Bà Katherine Margaret Nelson, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, đánh giá Hà Nội đang dẫn đầu thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp: "Người nông dân ở khu vực nông thôn họ sử dụng điện thoại rất nhiều, mức độ kết nối internet cũng rất cao và đây là điều kiện rất tốt cho việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và các nước khác cũng đang nhìn vào Việt Nam để học hỏi".

Số hóa sẽ giúp Hà Nội tiến tới nền nông nghiệp chính xác sau giai đoạn cơ giới hóa. Các hoạt động quản lý sản xuất, thương mại đều có thể ứng dụng công nghệ. Sản phẩm nông nghiệp sẽ được gắn nhãn xanh, phát thải thấp, giúp người nông dân có thể đưa sản phẩm của mình đến những thị trường giá trị cao.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/285-mo-hinh-nong-nghiep-chuyen-doi-so-hieu-qua-cao-256416.htm