29 năm tâm huyết với công tác dân số
Những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân được thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Phúc, khi trưởng thành, cô gái Trần Thị Tâm theo chồng về sinh sống tại xóm Kẹ. Sống ở một bản vùng cao nghèo khó, có tới 98% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Dao), nhưng chị Tâm đã sớm hòa nhập cùng bà con. Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, cộng với sự nhanh nhẹn, khả năng nói lưu loát, chị được Chi ủy, Ban Công tác Mặt trận và bà con đồng bào tín nhiệm làm cộng tác viên dân số.
Năm 1994, khi tiếp nhận nhiệm vụ, chị luôn nghĩ: Không biết mình liệu có đảm nhận được công việc hay không? Bởi nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào việc mới khó.
Để có thể hỗ trợ, giúp đỡ chị em tiếp cận cũng như thụ hưởng các quyền và lợi ích trong chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng, chị Tâm đã tham mưu cho Chi ủy và phối hợp với Chi hội Phụ nữ xóm tăng cường các buổi tuyên truyền để chị em nắm được các chính sách liên quan đến công tác dân số. Vào thời điểm đó, không có ánh điện sáng như bây giờ, đường sá đi lại khó khăn, các hộ dân ở cách nhau những mấy quả đồi. Tuy vậy, đêm đêm, chị Tâm vẫn tranh thủ đến từng nhà, tay cầm gậy, tay đèn pin vượt qua những con đường dốc để vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch. Đặc biệt, trong các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị không bỏ sót một trường hợp nào, ai cũng nhận được thông tin để được hưởng lợi từ chính sách dân số, được cấp miễn phí các dịch vụ tránh thai.
Vừa làm chị vừa học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, tìm đọc thêm sách báo, nâng cao kỹ năng truyền thông. Năm 2001, chị vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số; năm 2002, chị đạt giải Nhất Cuộc thi Tuyên truyền viên dân số giỏi cấp tỉnh. Khi ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, chị Tâm nhanh chóng cung cấp các số liệu mà không cần đến sổ sách.
Nhờ những đóng góp không mệt mỏi của chị Tâm, bà con trong xóm đã nâng cao được nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình đi vào nề nếp. Hiện nay, xóm Kẹ có 110 hộ, 467 nhân khẩu, số phụ nữ 15-49 tuổi là 106 người. Số phụ nữ có chồng là 87 người và đều sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, như đặt dụng cụ tử cung, bao cao su, uống thuốc uống tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, đình sản...
Cùng với các chương trình của Chi hội Phụ nữ, các nội dung về bình đẳng giới, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… cũng thường xuyên được chị Tâm lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt. Đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết ở xóm Kẹ đã không còn...
Mặc dù tuổi đã cao nhưng chị Tâm vẫn luôn nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc của người cộng tác viên dân số mà chị đã đảm nhiệm nhiều năm qua. "Trong ba năm trở lại đây, xóm Kẹ không có người sinh con thứ ba trở lên. Đây là tín hiệu đáng mừng góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của xóm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Trong thành tích đó, không thể không ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của chị Tâm, người đã thầm lặng cống hiến cho cộng đồng suốt 29 năm qua" - Đó là chia sẻ của Bí thư Chi bộ xóm Lý Tài Hà về chị Trần Thị Tâm.