2K5 đi thi, tầm nhìn không dừng lại ở trường chuyên lớp chọn
Những thí sinh thế hệ 2005 đi thi không chỉ với quyết tâm đỗ trường chuyên, mà còn mang theo dự định về việc du học trong tương lai để chọn ngôi trường phù hợp bản thân.
Ngày 17/7, Nguyễn Thị Tú Trân (THCS Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội) bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội. Trước đó, em dự thi vào THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Với Tú Trân, ý nghĩa cả hai kỳ thi không chỉ nằm ở chỗ tranh suất học công lập hay vào trường chuyên lớp chọn. Em cho rằng đây là lúc đưa ra lựa chọn để chuẩn bị cho tương lai sau này.
Không chọn trường chỉ để đỗ
Trước khi điền đơn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường công lập, thí sinh và phụ huynh chắc chắn cân nhắc lực học để đưa ra quyết định phù hợp. Tuy nhiên, điểm chuẩn không phải yếu tố duy nhất cần xem xét bởi điều quan trọng, các em không chọn nơi để đỗ mà để học.
Như Tú Trân, ngoài điểm trúng tuyển các năm, nữ sinh 15 tuổi còn xem xét vị trí địa lý có tiện đi lại không. Em cũng dành thời gian theo dõi, tìm hiểu môi trường học tập, các hoạt động ngoại khóa của trường.
Sau khi cân nhắc, em chọn thi vào chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội - Amsterdam và đăng ký nguyện vọng 1 trường thường vào Kim Liên. Dù vậy, Trân thừa nhận bản thân “ưu ái” chuyên Ngoại ngữ hơn vì yêu thích câu lạc bộ nhảy của trường.
Bùi Ngọc Sơn Nam (THCS - THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) bỏ công tìm hiểu xem trường được đánh giá tốt hay không, từ chất lượng dạy học, cơ sở vật chất đến văn hóa học đường.
Dự thi vào lớp chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Đắc Tú Uyên (THCS Nguyễn Trường Tộ) khẳng định em chọn trường vì thấy môi trường ở đây phù hợp tính cách và định hướng phát triển do mình đặt ra.
Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ góc nhìn trên. Chị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết gia đình hướng dẫn con chọn trường gần nhà để tiện đi học trong 3 năm tới. Đương nhiên, họ cũng cân nhắc trường có mặt bằng điểm phù hợp năng lực của con nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất.
“Con tôi học THCS tại trường Hà Nội - Amsterdam và đã quen với thầy cô, môi trường, không khí học tập ở đây. Con học bình thường, gia đình cũng không hướng cháu phải có thành tích xuất sắc. Chúng tôi mong muốn con phát triển toàn diện, đó cũng là điều trường Ams hướng tới”, nữ phụ huynh cho hay.
Chị nói thêm những ý kiến trái chiều hay nhận định trường chuyên nói chung, Hà Nội - Amsterdam nói riêng, chỉ là nơi “luyện gà” không ảnh hưởng quyết định họ cho con thi vào đây. Giáo viên sẽ chọn những em giỏi, đồng thời mong muốn đi theo con đường thi cử để bồi dưỡng. Còn lại, trường chú trọng cho học sinh học đều, phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Anh Phương (Cầu Giấy) cũng cho rằng việc học công lập hay tư thục không quan trọng, miễn trường có chất lượng dạy học tốt, môi trường thoải mái.
Phụ huynh có con dự thi vào trường Hà Nội - Amsterdam cho rằng trường công mang tính chất nặng nề hơn, ít hoạt động ngoại khóa. Trường tư có nhiều hoạt động phong phú, trẻ tự tin, tiếp xúc xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên, việc chọn trường còn phải căn cứ điều kiện kinh tế gia đình.
Bước đệm để du học
Phạm Gia Vinh (THCS Đống Đa, Hà Nội) được tuyển thẳng vào trường Nguyễn Tất Thành. Em nói vào trường chuyên chỉ để trải nghiệm. “Em quyết định học trường công lập bình thường và học thêm môn chuyên mình thích. Việc học trường chuyên nặng quá”, nam sinh chia sẻ.
Gia Vinh lý giải em lên kế hoạch học thêm môn chuyên ở cấp THPT để chuẩn bị tốt nhất, tìm kiếm cơ hội du học. Nếu không, em tin việc chọn môi trường học tập nhẹ nhàng hơn để tập trung môn yêu thích sẽ hỗ trợ mình trong quá trình thi đại học.
Dù mới bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Bùi Thái Sơn (THCS Nam Trung Yên, Hà Nội) cũng đặt mục tiêu du học. Nam sinh đăng ký nguyện vọng 1 trường không chuyên vào THPT Yên Hòa và trường chuyên vào Hà Nội - Amsterdam. Em cho rằng Amsterdam là bước đệm tốt cho những người muốn học đại học ở nước ngoài.
Kể cả trong trường hợp không trúng tuyển trường chuyên, Thái Sơn vẫn phấn đấu vì mục tiêu du học.
Ở tuổi 15, Nguyễn Thị Tú Trân cũng mong muốn trúng tuyển trường THPT chuyên Ngoại ngữ vì hy vọng có thể học lớp Tiếng Anh, bước những bước đầu để thực hiện ước mơ sang Nga học đại học. Nữ sinh tâm sự nếu không thể sang xứ sở bạch dương, em dự tính thi vào ĐH Ngoại thương hoặc ĐH Ngoại ngữ.
Không chỉ đặt ra mục tiêu du học, Nguyễn Đắc Tú Uyên còn xác định cụ thể hướng đi sau khi hoàn thành chương trình THPT. Em chọn lớp chuyên Hóa nhưng thích học về Tài chính và muốn du học Australia.
Trong khi đó, dù chưa chắc chắn bản thân học đại học trong nước hay nước ngoài, Bùi Ngọc Sơn Nam hiểu rõ bản thân mình thích môn gì và dự định theo ngành nào.
Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập 2020, Sơn Nam đăng ký vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và lớp chuyên Lịch sử trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Em hy vọng có thể gắn bó với ngành Lịch sử lâu dài.
Từ cách tiếp cận của phụ huynh, chị Hà cũng có mục tiêu cho con du học sau khi hoàn thành chương trình THPT. Tuy nhiên, người mẹ còn nhiều điều phải suy nghĩ, chứ không chỉ là việc con có thể trúng tuyển trường chuyên hay được ra nước ngoài học.
Chị cho rằng ở tuổi mới lớn, trẻ có thể thay đổi quyết định trong tương lai. Ngoài ra, với hành trình du học, gia đình cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố ngoài sở thích, mong muốn của con. Đặc biệt, dịch Covid-19 tạo ra xáo trộn, bất ổn trong môi trường giáo dục đại học ở nước ngoài càng khiến chị Hà thêm nhiều băn khoăn.
“Trong tình huống nào, sức khỏe của con cũng quan trọng nhất. Gia đình cứ cho con vào học môi trường phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng. Còn quyết định cụ thể ra sao, chúng tôi phải theo dõi tình hình thực tế và việc học của cháu”, người mẹ này chia sẻ.