2km đường nằm trên giấy gần 20 năm
Trong thời gian qua, người dân rất bức xúc vì tuyến đường từ cầu vượt Suối Tiên vào Khu Công nghệ cao (Quận 9) chỉ có 2 km, nhưng gần 20 năm qua các ban ngành TP.HCM vẫn chưa xử lý dứt điểm khiến dự án này vẫn chỉ là nằm… trên giấy!
Dự án đường xa lộ Vành đai vào Khu công nghệ cao quận 9 được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2000, với mục tiêu phát triển giao thông khu vực, phục vụ Khu công nghệ cao và từng bước hoàn chỉnh đường Vành đai ngoài của TP.HCM. Theo phương án được duyệt, tuyến đường dài hơn 2,2km, điểm đầu từ Xa lộ Hà Nội vào đến Khu Công nghệ cao, mặt đường rộng 107m và dọc hai bên đường sẽ xây dựng 2 khu tái định cư.
Thế nhưng, sau đó trong năm 2004, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua (thời bấy giờ) yêu cầu ngưng triển khai xây dựng khu tái định cư để điều chỉnh mở rộng đủ theo lộ giới 120m. Trong đó, ông Đua yêu cầu UBND quận 9 khảo sát, xác định ngay địa điểm khác để thay thế, vận động thuyết phục người dân chấp hành vì lợi ích chung, đồng thời khẩn trương tìm vị trí đất phù hợp để xử lý tái định cư nơi ở mới (riêng số tái định cư bằng nhà chung cư thì giải quyết bố trí ngay nơi khác) thuận lợi và tốt hơn.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2004, cũng chính Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua thông báo chấp thuận lộ giới 107m của đoạn đường vào Khu Công nghệ cao (vì đã có chủ trương sáp nhập vào tuyến dự án cầu đường - Nhơn Trạch do Bộ GTVT đầu tư) theo đề nghị của Sở GTVT. Và các hộ dân trước đây dự kiến bố trí tái định cư hai bên Xa lộ Vành đai vào Khu Công nghệ cao, do yếu tố khách quan dự án bị điều chỉnh và thay đổi, các hộ sẽ được bố trí tái định cư tại khu tái định cư phường Long Bình, quận 9.
Năm 2005, UBND thành phố lại có công văn chỉ đạo về lộ giới xây dựng của đường Vành đai tiếp giáp ranh đất phía Đông Khu công nghệ cao đã xác định đoạn có lý trình từ nút giao thông Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến đường Lê Văn Việt có lộ giới là 107m.
Cuối tháng 11 vừa qua, UBND Quận 9 đã báo cáo UBND TP.HCM hiện tại số hộ bị ảnh hưởng của dự án là 307 hộ dân và 1 tổ chức (trong đó đã chuyển sang dự án đường Xuyên Á 23 hộ, 2 hộ sử dụng đất công, còn 282 hộ). UBND Quận 9 ban hành 305 Quyết định bồi thường cho hộ dân, tổ chức và đã chi trả tiền cho 280 hộ, còn lại hồ sơ của Đình Tân Nhơn và 1 hộ vắng chủ đã chuyển tiền vào ngân hàng. 23 hộ chuyển sang bồi thường dự án đường Xuyên Á. Hiện đã có 263/282 hộ dân và tổ chức bàn giao mặt bằng, còn 19 hộ chưa bàn giao. Có 124 hộ đủ điều kiện tái định cư nền đất (127 nền), đã có 120 hộ nhận nền tái định cư (123 nền), còn lại 4 hộ (4 nền) chưa đồng ý nhận nền. Riêng cơ sở Đình Tân Nhơn. Quận 9, nhiều ý kiến không chịu di dời đi nơi bố trí khác mà muốn ở lại chỗ cũ vì quy hoạch tuyến đường mới không ảnh hưởng gì nhiều đến Đình.
Theo UBND Quận 9, đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chỉnh trang khu dân cư dọc đường Nam Cao đã được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 30/8/2010 đường Xa lộ Vành đai vào Khu công nghệ cao có lộ giới 107m. Tiếp đó, năm 2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn- Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3, TPHCM. Trong đó, đoạn tuyến nối vào đường Vành đai 3 về nút giao Thủ Đức được giải tỏa theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh là 40,75m- 52,5m.
Lãnh đạo UBND Quận 9 cho biết trên cơ sở phê duyệt của UBND TP.HCM và quyết định của UBND TP.HCM, Quận 9 cho lập đồ án (điều chỉnh) quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chỉnh trang khu dân cư dọc đường Nam Cao. Trong các buổi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND TP.HCM và Đại biểu HĐND quận 9 và trong thời gian gần đây người dân khiếu nại tại Thanh tra TP.HCM và đề nghị trả lại cho họ phần đất ngoài lộ giới của tuyến nối vào đường Vành đai 3 về nút giao Thủ Đức (phần đất chênh lệch giữa 107m trước đây và lộ giới dự kiến hiện nay từ 40,75m - 52,5 m).
Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 cho rằng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Xa lộ Vành đai vào Khu công nghệ cao trước đây đã được quận 9 thực hiện xong. Việc điều chỉnh lộ giới tuyến đường này theo Quyết định của Bộ GTVT là cần thiết, tuy nhiên, để tránh dắt dây và ảnh hưởng việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án khác trên địa bàn, UBND quận 9 kiến nghị UBND thành phố giữ nguyên phạm vi giải tỏa trước đây của đoạn từ nút giao Thủ Đức đến đường Lê Văn Việt là 107m, phần đất đã giải tỏa trước đây ngoài phạm vi lộ giới hiện nay của tuyến đường này sẽ không xem xét trả lại cho các hộ dân. “Để tránh sự bức xúc, khiếu nại của các hộ dân, quận 9 kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch phần đất này thành đất phục vụ các công trình công cộng của quận hoặc khu vực”, ông Bảy kiến nghị.
TP.HCM dự kiến phát triển “Thành phố sáng tạo phía Đông”, trong đó Khu Công nghệ cao là một phân khu quan trọng của dự án này. Khu công nghệ cao thu hút vốn đầu từ hàng tỷ USD thế nhưng, dự án đường Xa lộ Vành đai vào Khu công nghệ cao Quận 9 chỉ có 2 km thay đổi thiết kế nhiều lần vẫn chưa được triển khai và các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiến nghị... khiến người dân mòn mỏi chờ.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/2km-duong-nam-tren-giay-gan-20-nam-95616.html