3.000 bạn trẻ tranh tài tại Hội thi 'Thử thách Trí tuệ nhân tạo'
Sáng 20/10, Hội thi Thử thách Trí tuệ Nhân tạo (AI Challenge) TPHCM 2024 đã chính thức bước vào vòng chung kết tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Hội thi Thử thách Trí tuệ Nhân tạo (AI Challenge) TPHCM năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chủ trì, với sự phối hợp của các đơn vị: Đại học Quốc gia TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành Đoàn TPHCM, Hội Tin học thành phố (HCA). Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ là đơn vị thường trực Ban tổ chức Hội thi.
Với số lượng thí sinh và đội tham gia đông đảo, cuộc thi năm nay trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong phong trào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết: “Sự gia tăng số lượng từ 2.000 thí sinh vào năm ngoái lên 3.000 thí sinh tại hội thi năm nay cho thấy giới trẻ ngày càng quan tâm và yêu thích công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của nền công nghệ nước nhà”.
PGS.TS Vũ Văn Phong, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng AI đã và đang làm thay đổi rất sâu sắc nhiều lĩnh vực trong đời sống, từ giáo dục, y tế, kinh tế, quân sự… “AI không chỉ tạo ra cơ hội lớn mà còn đem đến thách thức, đòi hỏi tinh thần cầu tiến, sáng tạo rất cao. Cuộc thi AI Challenge dành cho các tài năng trẻ có niềm đam mê công nghệ AI là cơ hội để thí sinh khám phá, phát triển bản thân, cầu nối để giao lưu, kết nối phát triển hơn trong tương lai", ông Phong nói.
Sau hơn 3 tháng triển khai, vòng sơ tuyển Hội thi đã thu hút hơn 3.000 thí sinh đăng kí tham gia. Vượt qua vòng sơ tuyển, 74 đội thi có tiềm năng đã được Hội đồng Giám khảo tuyển chọn vào vòng Chung kết, trong đó bảng A có 50 đội thi và bảng B với 24 đội thi.
Tại vòng chung kết AI Challenge năm nay, các thí sinh sẽ phải đối mặt với hai bài toán truy vấn hình ảnh mang tính thực tiễn cao:
- Một là truy vấn mô tả bằng văn bản (Textual KIS), nơi các đội thi phải tìm kiếm các đoạn video dựa trên mô tả sự kiện được cung cấp.
- Hai là truy vấn từ video (Video KIS), yêu cầu các đội phải nhận diện và phân tích đoạn video ngắn mà không sử dụng các phương tiện hỗ trợ trực tiếp.
Những giải pháp mà các đội thi mang lại có tiềm năng ứng dụng vào các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc phòng và giám sát dữ liệu hình ảnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của TPHCM và cả nước.
Điểm nhấn của Hội thi AI Challenge năm nay là có sự hiện diện của Giáo sư Cathal Gurrin, người sáng lập cuộc thi Lifelog Search Challenge toàn cầu. Ông chia sẻ: “Việt Nam có rất nhiều sinh viên tài năng và đầy hoài bão. Họ không chỉ có niềm đam mê mạnh mẽ với công nghệ mà còn mong muốn được cống hiến cho sự phát triển của quốc gia. 50 đội thi đến từ các trường đại học, 24 đội thi từ các trường THPT quả là một con số cực kì ấn tượng. Tôi tin rằng những gì họ thể hiện hôm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội trong tương lai”.