'3 bám, 4 cùng' dưới chân núi Nồi Cơm

Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Lào, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô, BĐBP Kon Tum còn thực hiện tốt phương châm '3 bám, 4 cùng' giúp đồng bào các dân tộc dưới chân núi Nồi Cơm từng ngày thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Blô tới thăm mô hình nuôi heo sinh sản do đơn vị hỗ trợ cho hộ A Thá và Y Éo. Ảnh: Dương Nương

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Blô tới thăm mô hình nuôi heo sinh sản do đơn vị hỗ trợ cho hộ A Thá và Y Éo. Ảnh: Dương Nương

Sợ vợ chồng Y Éo và A Thá đi rẫy sớm, nên chúng tôi đã tìm đến gia đình anh chị khi trời vừa hửng sáng. Con đường thôn Pêng Lang của xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum gập ghềnh, lổng chổng đá. A Thá đang giúp vợ nấu cơm sáng và mang theo lên rẫy ăn trưa, còn Y Éo thì bận rộn vừa cho heo ăn, vừa thái rau để nấu cám.

Thấy chúng tôi đến, cả hai vợ chồng đon đả chào, mời khách vào nhà uống nước, nhưng miệng thì nói, tay vẫn làm thoăn thoắt. Vừa bưng chậu cám cho heo, Y Éo vừa nói: “Anh chị ngồi chơi, em tranh thủ chút để còn đi làm rẫy, nắng sắp lên rồi, chiều lại mưa chả làm được việc gì”.

Hỏi về nguồn gốc cặp heo giống đầu tiên khi được Đồn Biên phòng Đăk Blô tặng để phát triển kinh tế 5 năm về trước, Y Éo vẫn không giấu nổi niềm vui: “Mình cũng không nhớ rõ là cặp heo này đã sinh được mấy lứa con, chỉ nhớ là bán được 30 triệu đồng rồi. Ngoài ra, mình còn tặng 3 con heo nái cho 3 chị em khó khăn trong thôn là Y Xẹp, Y Yên và Y Ải để phát triển đàn heo, tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Thấy vợ nói chuyện rôm rả, A Thá vãi nắm thóc cho đàn gà, cười hiền nói xen vào: “Đàn gà này cũng là Đồn Biên phòng Đăk Blô tặng cho nhà mình đấy, vừa rồi, mình bán mấy con để lấy tiền mua sách vở và quần áo mới cho con đi học, còn lại để gây giống. Cảm ơn BĐBP nhiều lắm!”.

Sáng nay, Trung úy A Thuốc, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Blô lại tới hộ gia đình A Ngủ, thôn Bung Koong để cùng gia đình lên rẫy chăm sóc nương cam. Đây là mô hình trồng cam xứ lạnh đầu tiên của xã Đăk Plô được Đồn Biên phòng Đăk Blô triển khai hỗ trợ trồng thí điểm, với 120 cây từ năm 2018. Sau hơn 2 năm trồng xen canh với cà phê, hiện, nương cam nhà A Ngủ đã bắt đầu cho thu bói. Gốc nhiều cũng đến cả chục quả, hứa hẹn mang lại thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

A Thuốc tâm sự: “Bà con nơi đây chăm chỉ, hiền lành, nhưng còn thiếu kiến thức trong phát triển kinh tế, chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô thay nhau “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ bà con. Để nắm bắt tình hình địa bàn, xây dựng niềm tin của nhân dân, chúng tôi thường xuyên bám cơ sở, tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả để bà con nâng cao thu nhập. Mô hình nào hiệu quả thì nhân rộng, từ đó, nhiều hộ đã có “của ăn, của để”, con cái được học hành, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên”.

Trung úy A Thuốc giúp hộ A Ngủ chăm sóc rẫy cam. Ảnh: Dương Nương

Trung úy A Thuốc giúp hộ A Ngủ chăm sóc rẫy cam. Ảnh: Dương Nương

Thiếu tá Diệp Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Blô cho biết: Đã là cán bộ BĐBP đóng quân trên địa bàn biên giới thì đều xác định phải “3 bám, 4 cùng” với dân để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân. Nhưng để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhanh hơn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm chỉ lao động, sản xuất, chúng tôi đã phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc thiểu số kết nghĩa và giúp đỡ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

“Thực hiện mô hình giúp dân phát triển kinh tế và phân công cán bộ đảng viên phụ trách các hộ gia đình, đơn vị đã rà soát, bổ sung 18 đảng viên kết nghĩa với 62 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tất cả 4 thôn. Đảng viên được phân công, giao nhiệm vụ luôn phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm, thường xuyên gặp gỡ, động viên các hộ gia đình chấp hành các quy định trên khu vực biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chăm lo phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương” - Thiếu tá Diệp Xuân Hòa thông tin thêm.

Ngoài Trung úy A Thuốc được phân công kết nghĩa với hộ A Ngủ, thôn Bung Koong với mô hình trồng cam xứ lạnh, còn có Đại úy Hoàng Văn Hiệp kết nghĩa với gia đình A Thả, thôn Pêng Lang với mô hình nuôi heo sinh sản; Trung úy A Hơn kết nghĩa với hộ A Xiển, thôn Pêng Lang với mô hình nuôi bò sinh sản.

Thời tiết nơi đây khắc nghiệt, lúa nước chỉ trồng được 1 vụ, bởi mùa mưa kéo dài và lạnh không thể gieo cấy, nhưng nhờ BĐBP mà người dân trên địa bàn đã biết trồng cây thoát nghèo, đó là sâm dây. Hiện, sâm dây đã và đang được bà con 4 thôn mở rộng diện tích, tập trung nhiều nhất ở thôn Bung Koong, Bung Tôn và Pên Lang với gần 18ha, mang lại thu nhập khá cao. Đơn cử như hộ A Xương, thôn Bung Koong, năm ngoái thu nhập hơn trăm triệu đồng từ trồng sâm dây, nên đã mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt, cuộc sống gia đình ổn định, sung túc hơn.

Đăk Plô là xã biên giới đặc biệt khó khăn, có 4 thôn với 440 hộ, 1.473 khẩu, đa số là người dân tộc Giẻ - Triêng sinh sống. Đảng bộ xã có 9 chi bộ trực thuộc với 106 đảng viên. Xã có trên 500ha cây hàng năm và 272ha cây trồng lâu năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng/năm. Hiện, xã còn gần 15% hộ nghèo. Song nhờ sự giúp đỡ của BĐBP, cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự nỗ lực vượt khó của bà con, xã biên giới Đăk Plô đã và đang vươn lên, đổi mới từng ngày.

Và dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin, với việc coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những người lính Biên phòng nơi đây sẽ tiếp tục cần mẫn khắc vào đá núi dấu chân vững chãi của những người đi giữ đất, giữ dân miền biên cương của Tổ quốc, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào khu vực biên giới.

Dương Nương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/3-bam-4-cung-duoi-chan-nui-noi-com-post450798.html