Nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế sẽ tăng trưởng đến mức 6,5%

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II-2024 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II-2022. Đây được xem là chỉ báo cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt được.

Đánh giá tăng trưởng năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam theo các tổ chức quốc tế

Đánh giá tăng trưởng năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam theo các tổ chức quốc tế

GDP tăng trưởng tích cực

Cuối tháng 6, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm. Theo đó, GDP quý II đã tăng 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ các năm từ 2020-2024, GDP quý II năm nay tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng GDP trong giai đoạn trên lần lượt là 0,34%; 6,55%; 7,99%; 4,25% và 6,93%. So với mức tăng 5,66% của quý I năm nay, GDP quý II cũng tăng mạnh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%.

Phân tích nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý II, cơ quan thống kê cho biết, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi tích cực trên nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm 2023 (0,86%), giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá với tốc độ tăng đạt 10,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 14,15% đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,83% và riêng ngành khai khoáng tăng trưởng âm 9,06% do chủ trương giảm dần sản lượng khai thác khoáng sản trong nước. Tính chung 6 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%, nhiều ngành cấp 2 có mức tăng trưởng 2 con số.

Tuy nhiên, một số ngành vẫn còn nhiều khó khăn, chưa hồi phục như sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 1,7%. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tăng trở lại, đảm bảo cung cấp nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất trong nước. Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng quý II đạt 7,07%, 6 tháng đầu năm đạt 7,34%. Việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tương tự, theo cơ quan thống kê, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Một số ngành dịch vụ thị trường như vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng cao hơn thời kỳ 2018-2019 do được hỗ trợ từ nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong những tháng du lịch cao điểm…

Nhìn từ góc độ sản xuất và sử dụng, GDP 6 tháng đầu năm cũng tăng trưởng khá. Các số liệu thống kê cho thấy người dân đã có nhu cầu chi tiêu về tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn, chi tiêu cơ bản cũng như chi tiêu cho các sở thích cá nhân được cởi mở hơn sau một thời gian dài chịu áp lực từ dịch Covid-19 dẫn tới thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng sôi động trở lại. Các dự báo mới nhất đưa ra đều lạc quan, cho thấy mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm nay vẫn có thể đạt được nhờ cầu tiêu dùng dần phục hồi trên toàn thế giới.

Tiêu dùng dần phục hồi góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP

Tiêu dùng dần phục hồi góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP

Đường tới mục tiêu GDP đạt 6,5% cả năm

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay là 6-6,5%. Dự báo về khả năng đạt mục tiêu này hay không, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5-6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Kết quả này cho thấy hiệu quả của những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Nhà nước, bộ, ngành, và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới vẫn đang ở mức phục hồi chậm, tình hình thế giới nhiều bất ổn, khó dự báo. Tuy nhiên, tính đến tháng 6-2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó (tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm)… điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á (bao gồm Timo-Leste) dự báo đạt 4,6% trong năm 2024 do nhu cầu nội địa tăng cao và du lịch tiếp tục phục hồi. Tăng trưởng của Việt Nam và Philippines năm 2024 được dự báo cao nhất khu vực, cùng đạt 6%, theo sau là Campuchia 5,8%, Indonesia 5,0%, Malaysia 4,5% và Lào 4,0%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, Singapore được dự báo thấp hơn từ 2,3 đến 2,5 lần so với Việt Nam và Philippines, lần lượt đạt 2,6% và 2,4%. Tương tự, các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5-1,0 điểm phần trăm, lần lượt ở các mức 5,5%; 5,8%; 6,0% và 6,0%.

Cơ quan thống kê nhận định, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Đó là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi thời tiết bước sang mùa mưa, tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn không còn là mối lo ngại với người sản xuất nông nghiệp; với sự phục hồi của kinh tế thế giới, công nghiệp 6 tháng đầu năm đã có tăng trưởng đáng ghi nhận, là tiền đề cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III khả quan hơn quý II với 40,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 42,2% doanh nghiệp giữ ổn định là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng tới. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ có cơ hội phát triển trong 6 tháng cuối năm khi quý III tiếp tục là mùa du lịch cao điểm, khai thác tốt hoạt động du lịch sẽ lan tỏa mạnh tới khối ngành dịch vụ thị trường. Bên cạnh đó, có những ngày nghỉ lễ kéo dài, mùa tựu trường và nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm sẽ tác động tích cực tới khối ngành dịch vụ.

Tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lợi thế thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân. Một số yếu tố kích thích tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm như: chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang trình Quốc hội thông qua; chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đời sống, tăng tiêu dùng và năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công, thương mại quốc tế đều được dự báo sẽ thuận lợi hơn.

“Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, và nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt” - bà Nguyễn Thị Hương nói.

Tổng cục Thống kê cũng đề xuất một số giải pháp như: Tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp; đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng; tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa; tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu...

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhieu-tin-hieu-cho-thay-kinh-te-se-tang-truong-den-muc-65-post582081.antd